Khu vực Cửa Lấp, nơi giáp ranh giữa TP Vũng Tàu và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhánh của sông Dinh, chảy qua TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu, huyện Long Điền rồi đổ ra biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là khu vực tiếp giáp với bãi biển của các khu du lịch TP Vũng Tàu nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm.
Hôi thối không chịu nổi
Đi qua những con đường như Chi Lăng, Phước Thắng, Hải Đăng, Ven Biển, Bờ Đê (phường 12, TP Vũng Tàu), đặc điểm dễ nhận thấy là mùi hôi thối bốc lên từ những đầm chứa nước, những dòng kênh “chết”. Nước ở đây đều có chung một màu đen cộng với rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh, đây cũng là những con đường hiện có hàng chục cơ sở chế biến hải sản hoạt động ngày đêm.
Hệ thống ống xả thải từ khu dân cư ra khu vực Cửa Lấp
Tại khu vực đường Bờ Đê dọc chân cầu Cửa Lấp, hàng trăm ống nước, ống xả được lắp đặt kéo thẳng ra sông, độ ô nhiễm nghiêm trọng tới mức bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nước sông đục ngầu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bên cạnh đó, hàng ngàn tấm lợp phơi cá của người dân được đặt bên trên những hố nước đen ngòm, đủ thứ rác ngay ven đường đê. Người dân vô tư rửa cá rồi đổ nước ra các kênh, chảy xuống sông.
Chị Đinh Thu Hường (ngụ huyện Long Điền), thường xuyên đi qua đoạn đường này, nói: “Vào mùa mưa, từ đoạn xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đến gần khu vực vòng xoay Cửa Lấp, nước mưa cộng với nước thải bốc mùi hôi thối, ai đi qua đều phải mang khẩu trang”.
Khổ sở vì sống chung với ô nhiễm, bà Lan, người dân sống tại khu vực Cửa Lấp, cho biết nhà phải đóng cửa suốt ngày vì sợ mùi ám vào quần áo, đồ đạc. “Chưa kể, đến mùa mưa thì rất nhiều ruồi, muỗi” - bà Lan phản ánh.
Liên tục vi phạm
Nguyên nhân chính khiến khu vực Cửa Lấp bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua đã từng được các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định là nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản trong khu dân cư xả thẳng ra sông. Một lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ quan chức năng đã từng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến hải sản và xử phạt khi phát hiện các lỗi chủ yếu như không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không vận hành mà xả thải trực tiếp ra sông, thậm chí có cơ sở không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo vị này, năm 2015, các cơ quan liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thanh tra 111/131 cơ sở chế biến hải sản trong toàn tỉnh, trong đó có khu vực Cửa Lấp. Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 8 quyết định xử phạt 8 cơ sở chế biến hải sản với hơn 366 triệu đồng, trong đó có 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục ô nhiễm.
Tuy nhiên, tới năm 2016, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát hiện một số cơ sở hoạt động chế biến hải sản vẫn xả thải chưa qua xử lý ra sông bằng hệ thống ống ngầm. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các thủ tục về môi trường phục vụ cho việc chế biến hải sản.
Tháng 10-2016, cơ quan chức năng đã kiểm tra 5 cơ sở chế biến hải sản trên đường Chi Lăng (TP Vũng Tàu) và phát hiện 3 cơ sở vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường như cơ sở chế biến cá bò (số 120B Chi Lăng) chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải; Công ty TNHH Hoàng Dũng (số 140 Chi Lăng) xả thải trực tiếp ra sông; cơ sở chế biến thủy sản Thiên Ân chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải nhưng đã hoạt động.
Tiếp đó, đến tháng 12-2016, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm một số cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải. Tại thời điểm trên, chủ cơ sở không cung cấp được những giấy tờ đăng ký, thủ tục về môi trường, giấy phép xây dựng nhà xưởng. Bên cạnh đó, tình trạng tự xây dựng cơ sở chế biến hải sản khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn xảy ra.
“Một trong những giải pháp để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nơi đây là di dời các nhà máy chế biến hải sản ra khỏi khu vực dân cư đang sinh sống. Cần xây dựng khu chế biến hải sản tập trung và siết chặt quản lý trong vấn đề xây dựng, bảo vệ môi trường để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như vụ việc cá chết hàng loạt xảy ra tại cầu Chà Và” - một người dân nói.
Chậm triển khai dự án xử lý ô nhiễm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu chế biến hải sản, năm 2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định về phê duyệt Đề án xử lý ô nhiễm môi trường khu vực Cửa Lấp. Tuy nhiên, giải pháp ổn định và lâu dài nhất là việc di dời các cơ sở chế biến hải sản hợp pháp vào khu chế biến hải sản tập trung, cách xa khu dân cư. Trước đó, tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng khu chế biến hải sản tập trung tại gò Ông Sầm (phường 12, TP Vũng Tàu) với diện tích khoảng 390 ha, bao gồm tuyến đường vào khu chế biến hải sản; khu chế biến hải sản tập trung; khu rừng cảnh quan. Thế nhưng tới nay, dự án này vẫn chậm triển khai khiến tình trạng ô nhiễm tại Cửa Lấp trên mức báo động.
Bình luận (0)