Chiều nay, 9-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty PVC.
HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc ra chủ trương, thực hiện ký hợp đồng EPC số 33, việc cho PVC tạm ứng, gây thiệt hại.
Ông Phùng Đình Thực khai báo tại tòa chiều ngày 9-1 - Ảnh: Nguyễn Hưởng (ảnh chụp qua màn hình)
Về vấn đề này, ông Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc PVN, cho biết mình không phạm tội cố ý làm trái và nếu biết sẽ không bao giờ làm. Thời điểm tháng 9-2011, ông Thực khai mình không biết hợp đồng số EPC số 33 thiếu cơ sở pháp lý, không thể thực hiện. Bị cáo này cũng phủ nhận việc đã nhận được các văn bản cảnh báo từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và ông Vũ Hồng Chương, trưởng ban quản lý dự án.
"Khi bị cáo kiểm tra lại hệ thống lưu trữ, ông Chương nói gửi văn bản chỉ đích danh tôi nhưng tôi không nhận được. Công văn thực tế, tôi không nhận được"- ông Thực khai.
HĐXX yêu cầu bị cáo Vũ Hồng Chương lên đối chất về các lời khai của ông này trước tòa vào chiều qua. Ông Chương cho biết có văn bản ký gửi ông Thực. HĐXX hỏi: Vậy công văn này ký gửi cho ai? Bị cáo Chương tiếp tục khẳng định do biết rõ dự án chưa đầy đủ tài liệu, thủ tục nên đã ký công văn 85 ngày 7-4 gửi đích danh ông Phùng Đình Thực.
HĐXX hỏi ông Thực: "Là tổng giám đốc PVN, quyền và nghĩa vụ của bị cáo thực hiện tại quy định nào?". " Bị cáo thực hiện theo quy định tại Điều lệ 190 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt"-ông Thực đáp.
Tuy nhiên, đại diện Viện KSND "nhắc nhở": "Nghĩa vụ đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật. Như vậy, liên quan dự án Thái Bình 2 thì chỉ đạo của bị cáo cũng phải tuân thủ quy định pháp luật".
Đề cập đến bút phê của ông Phùng Đình Thực trong một số văn bản chỉ đạo về thực hiện dự án trước thời điểm 9-2011, đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo Thực đã biết về tình trạng pháp lý của hợp đồng số 33. Tuy nhiên, ông Thực tiếp tục phủ nhận và cho rằng trong bút phê của mình là chỉ đạo cấp dưới rà soát để thực hiện đúng quy định pháp luật.
"Bị cáo chưa lần nào từ chối trách nhiệm"
Trả lời HĐXX, ông Đinh La Thăng thừa nhận đã chỉ định PVC làm tổng thầu dự án trong khi doanh nghiệp này chưa từng làm một dự án nào tương tự. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng PVN đã rà soát và yêu cầu PVC làm lại hồ sơ và theo đánh giá có đủ điều kiện làm tổng thầu dự án".
Ông Đinh La Thăng khai báo tại tòa chiều ngày 9-1 - Ảnh: Nguyễn Hưởng (ảnh chụp qua màn hình)
Đại diện Viện KSND truy vấn: "Theo quy định thì nhà thầu phải có kinh nghiệm, tức phải có dự án làm tổng thầu nhưng năng lực tài chính của PVC từ cuối năm 2010 là rất xấu, bị cáo có nắm rõ?", Ông Thăng đáp: "Năm 2010, PVC lãi gần 1.000 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm và trong năm 2011 vẫn có lãi 200 tỉ. Với doanh nghiệp khi cân đối là quan trọng, còn thời điểm nhất định khó khăn cũng là điều bình thường".
HĐXX tiếp tục hỏi: "Qua thẩm vấn bị cáo khác cho thấy trong phạm vi trọng trách họ đều thấy khiếm khuyết, và nói có dấu ấn bị cáo. Với trách nhiệm người đứng đầu không thấy bị cáo nhận trách nhiệm?".
Ông Đinh La Thăng đáp: "Bị cáo luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Còn theo pháp luật còn có trách nhiệm HĐTV, chủ tịch HĐTV theo quy định cũng như các chức danh khác, của tổng thầu, chủ đầu tư. Vì vậy, để chỉ định được PVC tổng thầu thì căn cứ đánh giá chủ đầu tư, của tổng giám đốc trên cơ sở đánh giá của các ban và HĐTV đánh giá. Bị cáo thay mặt HĐTV ký, quá trình điều tra chưa từ chối lần nào về trách nhiệm của bị cáo".
Ông Đinh La Thăng tại TAND TP Hà Nội chiều 9-1 - Ảnh: Huy Thanh
Mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước
Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, ông Đinh La Thăng cho biết dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong chiến lược phát triển PVN và chiến lược ngành điện Việt Nam. Trong đó, chiến lược PVN đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện.
Theo ông Thăng, do dự án quan trọng, cấp bách nên chủ đầu tư PVN cũng như tổng thầu PVC đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, do tính chất dự án nên đã được Chính phủ cho hưởng nhiều cơ chế đặc thù, như vừa thiết kế chi tiết vừa thực hiện chủ trương về đầu tư. Trong thiết kế thực hiện theo 2 giai đoạn vừa thiết kế vừa thi công, hạng mục nào không ảnh hưởng đến tổng thể dự án thì cho triển khai luôn.
Luật sư Hoài hỏi: "Dự án bị ép tiến độ như thế nào?", ông Thăng đáp:"Dự án này rất cấp bách, Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý 1/2009, tập đoàn tổ chức triển khai theo yêu cầu, nên HĐTV ép tiến độ các cơ quan các cấp của PVN bám sát tiến độ triển khai nhanh nhất".
Ông Đinh La Thăng tại tòa ngày 9-11 - Ảnh: TTXVN
Theo ông Thăng, sau 10 năm, nhìn lại dự án, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, ông mới có đầy đủ các thông tin mà khi triển khai không nắm được. "Bị cáo đã chỉ đạo rất quyết liệt và có sự nóng vội. Bản thân bị cáo cũng thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ điều kiện để làm đã dẫn đến vi phạm"- ông Thăng trình bày
Ông Thăng nói tiếp: "Giữa quyết liệt, năng động, sáng tạo và vi phạm khuyết điểm là hết sức mong manh. Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước, mô hình tập đoàn thí điểm giai đoạn đầu, tiến độ căng thẳng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện".
Theo ông Thăng, bản thân ông hết sức day dứt về khuyết điểm tại dự án Thái Bình 2. "Một lần nữa, bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu, nhận trách nhiệm sự nôn nóng, quyết liệt của mình làm anh em vi phạm"- ông Đinh La Thăng nghẹn ngào nói.
12 bị cáo ra tòa về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng":
1- Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN
2- Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên phó tổng giám đốc PVC
3- Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC
4- Trần Văn Nguyên, nguyên kế toán trưởng Ban Quản lý dự án (QLDA) điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN
5- Lê Đình Mậu, nguyên phó trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN
6- Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch HĐQT PVN
7- Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2
8- Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN
9- Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN
10- Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN
11- Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN
12- Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC.
8 bị cáo bị xét xử về tội "Tham ô tài sản":
1- Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch
2- Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch
3- Lê Xuân Khánh, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - kế hoạch
4- Nguyễn Thành Quỳnh, nguyên Gám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng
5- Thị Anh Hoa, guyên Gám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa
6- Bùi Mạnh Hiển, nguyên Giám đốc PVC
7- Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC
8- Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.
Hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, bị truy tố về cả 2 tội cố ý làm trái và tham ô tài sản.
Bình luận (0)