Sáng 19-11, phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cùng 91 bị cáo khác tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo cầm đầu vận hành đường dây vụ đánh bạc ngàn tỉ.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương trước bục khai báo
Trong ngày thứ 7 hầu tòa, ông Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục C50) tiếp tục có mặt tại phiên tòa. Không giống những lần trước thường xuyên phải vào phòng y tế uống thuốc điều trị, 2 ông Vĩnh và ông Hóa ít khi rời ghế, ngồi chăm chú lắng nghe HĐXX hỏi các bị cáo khác.
Là người thứ 3 được HĐXX hỏi trong ngày 19-11, bị cáo Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC), khai tôn trọng cáo trạng của VKS truy tố 2 tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Ngoài ra, bị cáo Dương cũng xác nhận lời khai của Phan Sào Nam về quá trình 2 người hợp tác ở phiên tòa trước đó.
Về quá trình thành lập CNC, bị cáo Dương khai người giới thiệu mình với Bộ Công an là 1 nguyên thứ trưởng Bộ Công an (đã qua đời - PV). Thời điểm đó, bị cáo Dương làm doanh nghiệp về đầu tư. Trong một số lần trao đổi, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) có nói với bị cáo Dương là theo quyết định thành lập của C50, phải có công ty hóa trang chức năng để làm nghiệp vụ. Sau đó, Dương cùng ông Hóa lên gặp vị thứ trưởng và được đồng ý.
Theo lời bị cáo Dương, ông Hóa cho biết Cục C50 có đề án xây dựng công ty bình phong để hoạt động kinh tế nghiệp vụ. "Trước đó, bị cáo không có ý tưởng thành lập công ty này" - Dương nói.
Bị cáo Dương khai vì thời gian lâu, tạm giam cũng lâu nên không nhớ rõ hết nội dung hợp tác giữa CNC và C50. Bị cáo chỉ nhớ là hoạt động kinh tế thông thường, hoạt động hóa trang trinh sát đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Dương khẳng định ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC. Theo ký kết, C50 có 20% vốn ở CNC, không đóng góp về nhân sự. Sau khi hợp tác, ông Hóa cho rằng việc góp vốn không bảo đảm thỏa thuận hợp tác nên không góp vốn.
Theo Dương, bị cáo không nhớ hết về đóng góp của doanh nghiệp này với C50 song công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương được dẫn giải tới phiên tòa
Trước đâu hỏi: "Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?" của HĐXX, bị cáo Dương đáp: "Là anh Nguyễn Thanh Hóa". Trong thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, Dương nói hàng tháng, quý và năm, CNC đều báo cáo với C50. C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.
Ngỡ ngàng khi được hỏi đến tội rửa tiền
Khi được hỏi đến tội rửa tiền, bị cáo Dương tỏ ra rất ngỡ ngàng. Lúc phạm tội này, bị cáo không nhận thức đó là rửa tiền. "Tôi là nhà kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Có tiền ở hoạt động này, tôi tiếp tục đầu tư hoạt động khác. Thời điểm BOT Bắc Giang, hoạt động này rất được khuyến khích nên tôi thực hiện"- Dương giải thích.
Dương khai không sử dụng tiền từ đường dây đánh bạc đầu tư vào công ty UDIC và đầu tư vào BOT Bắc Giang. Tuy nhiên, Dương lại thừa nhận mình không chứng minh được sử dụng các nguồn tiền khác đầu tư vào UDIC và BOT Bắc Giang.
Sau những truy hỏi của chủ tọa, Dương mới nhận có dùng nguồn tiền hơn 20 tỉ đồng hưởng lợi từ game đánh bạc để đầu tư vào công ty UDIC.
VKS truy hỏi: "Bị cáo không chứng minh tiền tổ chức đánh bạc để ở đâu? Bị cáo cũng không chứng minh tiền đầu tư vào UDIC ở đâu? Trong khi kế toán của bị cáo đều khai đã nộp tiền vào UDIC cho bị cáo", Dương ngập ngừng rồi nói vẫn giữ lời khai, "do tôi không chứng minh được nên tôn trọng VKS".
Về số nộp lại cơ quan cho cơ quan chức năng quá ít so với tiền hưởng lợi từ đường dây đánh bạc là hơn 1.700 tỉ đồng, VKS hỏi: "Vậy số tiền còn lại ở đâu?" Bị cáo Dương trình bày: "Trong chiến lược phát triển công ty 10 năm về giải pháp công nghệ để phòng chống tội phạm công nghệ cao, chúng tôi hợp tác với nhiều đơn vị nước ngoài, đang chuẩn bị nhập về. Nhưng để đảm bảo bí mật, tôi cũng chỉ có lời khai nhất định".
Đại diện VKS tiếp tục hỏi: "Bị cáo còn khoản nào để truy thu khắc phục hậu quả?". Dương đáp: "Công ty có nhiều chi phí, gia đình cũng giúp khắc phục, giờ ở trong trại giam đã hơn 1 năm nên không còn cơ hội để khắc phục nữa".
Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Dương khai quá trình vận hành game bài, không nghĩ có hàng chục triệu người chơi game đánh bạc và doanh thu lại lớn đến vậy, cho đến khi các số liệu được cơ quan điều tra công bố.
"Sau này biết nhiều người chơi phải bán tài sản, tôi thấy hành vi của tôi vô cùng nghiêm trọng. Tôi xin chịu toàn bộ trách nhiệm thay nhân viên trong vụ án này vì họ chỉ thực hiện theo lệnh và ân hận vì hành vi của mình khiến họ mất mát quá lớn, mong HĐXX giảm nhẹ tội cho các nhân viên cùng người chơi trong vụ án này"- Dương nói.
Theo cáo trạng, đầu năm 2015, bị cáo Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club. Trong quá trình vận hành game thu được nhiều tiền bất chính, Dương chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Dương làm chủ) rồi mượn tên người khác, mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC. Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có thì Dương lại chỉ đạo cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.
Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC được hơn 329 tỉ đồng và mua tầng 5, 6 của Tòa nhà Icon 4 để làm trụ sở Công ty CNC…
Để được tạo thuận lợi cho CNC, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai cho ông Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD , 27 tỉ đồng; hơn 1,7 triệu USD…; Cho Cục C50 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỉ đồng.
Đến nay, Cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD là có thật, còn việc cho ông Vĩnh và Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.
Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra, Dương thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội nhưng không hợp tác khai báo về việc sử dụng số tiền thu lợi bất chính khoảng 1.600 tỉ đồng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra thu hồi vật chứng vụ án.
Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm giữ, kê biên 2 sổ tiết kiệm với số tiền 150 tỉ đồng; tạm giữ khi khám xét 95 triệu đồng. Ngoài ra, vợ bị can đã tự nguyện nộp cho Cơ quan An ninh điều tra số tiền hơn 4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả; Dương tự nguyện bán trụ sở Công ty CNC nộp 61 tỉ đồng; tạm giữ 4 ô tô các loại; phong tỏa hơn 8 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng….
Bình luận (0)