Ngày 19-11, phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cùng 91 bị cáo khác trong vụ đánh bạc ngàn tỉ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội tổ chức đánh bạc.
Trong buổi sáng, HĐXX sẽ hỏi nhóm bị cáo giúp sức của Công ty CNC, buổi chiều hỏi bị cáo Phan Sào Nam và Phan Thu Hương.
Bị cáo Phan Sào Nam được đưa tới phiên tòa
Trước đó, ngày 16-11, khi được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Phan Sào Nam, cựu giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online, khai bản thân bị cáo có quen biết bị cáo Nguyễn Văn Dương, chủ tịch HĐTV Công ty CNC, vào cuối năm 2014 và đầu 2015.
Từ lâu, bị cáo Nam biết Công ty CNC là đơn vị bình phong của Bộ Công an. "Khi chúng tôi gặp trực tiếp, anh Dương cũng khẳng định như vậy. Sau đó, chúng tôi có trao đổi các hướng phát triển dịch vụ game bài cho tương lai" - bị cáo Nam khai.
Theo bị cáo Nam, đến cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn) có phần mềm game bài chất lượng tốt muốn cùng bị cáo phát triển dịch vụ này. Tuy nhiên, vào thời điểm này việc xin cấp phép cho game bài khá khó khăn. "Sau này bị cáo gặp anh Dương, anh Dương nói có thể làm được việc này (xin cấp phép) nên chúng tôi hợp tác" - Nam khai.
Phiên tòa xét xử vụ đánh bạc ngàn tỉ
Theo Nam, trong quá trình thực hiện, bị cáo hiểu là trò chơi này chưa được cấp phép. "Dù chưa được cấp phép nhưng bị cáo hiểu CNC là công ty bình phong, anh Dương có nói rõ nghĩa là làm chức năng trinh sát ngoại tuyến, chức năng kinh tế nghiệp vụ. Hợp tác giữa VTC Online và CNC thì giá trị lớn nhất nằm ở chỗ CNC là công ty bình phong của công an" - bị cáo Nam nói.
Quá trình phát hành game, theo bị cáo Nam, một số cơ quan công an, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tới làm việc với Công ty VTC Online. Lúc đó, Công ty VTC Online cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp tác với Công ty CNC, bị cáo Nam không rõ vì sao lại không bị xử lý.
Sau đó, bị cáo Nam đã thường xuyên trao đổi với Nguyễn Văn Dương vì bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra. "Dương nói anh sẽ làm việc với các cơ quan đó để xử lý" - Nam nói tại tòa.
Trước bục khai báo, Nam khai trong giai đoạn 1, số tiền mà VTC Online nhận được khoảng 2.000 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2, doanh thu khoản hơn 9.500 tỉ đồng, Nam nhận 1.475 tỉ để chi phí cho vận hành bản cứng, mềm, vận hành khác.
Về số tiền được nhận, Phan Sào Nam đã chuyển cho người thân và bạn bè, thành lập các công ty khác, đầu tư bất động sản… "Bị cáo đã chuyển cho dì ruột khoảng 236 tỉ đồng cất giữ hộ, sau đó nhờ đầu tư sinh lời. Số tiền gửi cho bạn bè và người thân, bị cáo không nói nguồn gốc số tiền cho họ biết"- Nam phân trần.
Nam khai đã nộp tiền mặt 1.088 tỉ đồng cho cơ quan điều tra, tổng tài sản đã bị thu hồi là hơn 1.300 tỉ đồng, tương đương 90,7%. Với số tiền 3,5 triệu USD hiện ở Singapore, Nam khai cho một người bạn vay bằng tiền đồng tại Việt Nam. Sau đó, người bạn này trả cho bị cáo tại Singapore bằng USD qua tài khoản tại nước này. "Không có việc chuyển tiền qua biên giới" - Nam nói.
Bình luận (0)