Theo phản ánh của người dân thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), tại khu nhà trọ thuộc khu phố 6, phường Phú Hòa có nhiều cụ già, trẻ khuyết tật đang tạm trú để kiếm sống bằng nghề ăn xin. Điều đáng nói là xuất hiện một số người chăn dắt và sống bằng “kinh doanh” ăn xin.
Theo chân “chăn dắt”
Trưa 28-11, chúng tôi trong vai người chạy Honđa ôm lởn vởn quanh các cây xăng, bến xe nơi có nhiều trẻ em, cụ già đang hành nghề. Từ đây chúng tôi bám theo một bà cụ về tận phòng trọ ở khu phố 6. Dãy nhà trọ có hơn 10 phòng, trong đó bốn phòng cuối dãy đang hé cửa. Đó là phòng của các tay chăn dắt. Một thanh niên đeo khẩu trang che kín mặt chạy chiếc Wave (biển số 61H7-8793) chở theo sau một cụ già thắng gấp trước phòng trọ, đẩy bà xuống rồi quay đầu xe chạy ngay. Lần lượt có sáu hành khất khác được người thanh niên chở tiếp về đây.
Phóng viên tiếp xúc với những người ăn xin sau khi được giải thoát khỏi phòng trọ.
Qua mấy ngày bám trụ, chúng tôi nắm được “lịch làm việc” của nhóm chăn dắt như sau: Đúng 5 giờ sáng mỗi ngày, hai tay chăn dắt lần lượt chở 15 người, gồm cụ già, trẻ nhỏ tới các cây xăng trên địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát. Đến khoảng 11 giờ, chúng rước họ về phòng trọ cho ăn cơm, nghỉ ngơi đến 15 giờ thì chở họ đi “làm ca chiều” đến gần 22 giờ mới cho về phòng trọ.
Cách vài ngày là nhóm chăn dắt đổi địa điểm ăn xin cho các cụ và bọn trẻ. Cứ thế mà xoay vòng, theo quy luật thì không ai được “làm ăn” hoài ở một chỗ. Các chủ cửa hàng xăng dầu nhận xét đó là cách rải người để xin tiền khách đổ xăng được nhiều.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đường dây ăn xin này do Trịnh Viết Thuận (34 tuổi, quê huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và vợ là Phạm Thanh Hà (31 tuổi, quê Hải Phòng) điều hành. Quách Văn Đoàn và Nguyễn Thế Tính nhận nhiệm vụ chở các cụ già, trẻ em đi ăn xin.
Đột nhập lúc nửa đêm
Sau khi nghe chúng tôi trình báo sự việc, Công an phường Phú Hòa phối hợp với ban ngành địa phương lên kế hoạch kiểm tra dãy nhà trọ nói trên.
Đúng 23 giờ ngày 1-12, cửa vào nhà trọ bị khóa kín, mặc cho công an phường réo gọi nhưng không ai mở. Hơn nửa giờ sau, lực lượng kiểm tra phải mở lối vào từ phía sau. Khi cánh cửa mở ra, mọi người chứng kiến cảnh gần nửa đêm, những người già, trẻ nhỏ mới được ăn cơm sau một ngày lê la ngoài đường. Vợ chồng Thuận, Hà và hai kẻ chăn dắt chực phóng ra ngoài nhưng bị giữ lại.
Trịnh Viết Thuận, người điều hành đường dây ăn xin, tại trụ sở Công an phường Phú Hòa.
Tại trụ sở công an, những nạn nhân trong đường dây ăn xin cho biết hằng ngày mỗi người phải nộp cho vợ chồng Hà, Thuận từ một đến hai trăm ngàn đồng mới được ăn uống, nghỉ ngơi. Ngoài ra, cả nhóm phải góp tiền trả cho Đoàn và Tính hai trăm ngàn đồng tiền đưa rước.
Trong đường dây này có cụ già, trẻ em dị tật đi đứng còn không vững nhưng vẫn bị ép buộc đi xin, chờ đến tháng được “trả lương” 600.000 đồng gửi về quê nhà. Cháu Lê Xuân Dũng (11 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) thường ngồi xin ở trạm xăng dầu vòng xoay Gò Đậu thổ lộ: “Mỗi sáng cậu Thuận bảo anh Đoàn chở em tới cây xăng ăn xin. Mỗi ngày xin được từ một đến ba trăm ngàn đồng đều đưa hết cho cậu Thuận”.
Bà Đào Thanh Vĩnh, chủ nhà trọ cho biết: Những người này đến thuê phòng và nói đi bán vé số. Tôi thấy họ bình thường, không có biểu hiện gì là chăn dắt ăn xin cả nên không quan tâm lắm.
Hiện Công an phường Phú Hòa đang tạm giữ vợ chồng Hà, Thuận để điều tra làm rõ về đường dây chăn dắt ăn xin vừa bị phanh phui.
Ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: |
Bình luận (0)