icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải xem xét lại chứng cứ buộc tội

Một số luật sư đã có ý kiến về bài “Vụ án quyển sổ tiết kiệm” đăng trên Báo NLĐ ngày 6-4 ,thể hiện sự băn khoăn về những chứng cứ buộc tội của các cơ quan tố tụng

img

Luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Cần giám định lại chữ viết

Pháp luật tố tụng hình sự quy định chứng cứ của vụ án hình sự phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự và công việc này thuộc về trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng.

Trong vụ án này (qua bài báo), tôi thấy cần phải làm rõ thêm độ tin cậy để bảo đảm tính hợp pháp của các chứng cứ, cụ thể như sau:


- Việc nhận dạng của nhân chứng N.T.H (nhân viên giao dịch của ngân hàng), nếu chỉ dựa trên hình ảnh của phim và hình chụp thì tính xác thực không cao vì hình ảnh trong phim và hình chụp chắc chắn đã được chỉnh sửa (màu da không thật do ánh sáng, giọng nói bị lồng tiếng và ngay cả khuôn mặt đã có trang điểm theo nhân vật). Hơn nữa, hình ảnh trong phim ảnh cũng không thể hiện được kích thước (như chiều cao), dáng điệu (dáng đi...). Do vậy, việc nhận dạng của nhân chứng N.T.H, theo tôi, là chưa bảo đảm tính chính xác, cần phải xem xét lại bằng việc cho nhận dạng trực tiếp để biết tại sao nhân chứng khẳng định đúng là bị can (như tóc, quần áo, hành động gì... khi đến giao dịch với ngân hàng).


- Giám định là nguồn thu thập chứng cứ hợp pháp, và trong vụ án này là giám định chữ viết, mà chữ viết thì có rất nhiều người giống nhau (nhất là học sinh, sinh viên là người trẻ tuổi còn đi học). Chính kết quả giám định lần 1 cho thấy việc giám định chữ viết có nhiều khó khăn và không đủ cơ sở nên đến lần thứ 2 mới có kết quả giám định về chữ viết. Theo tôi, với tính chất quan trọng của chứng cứ giám định này trong vụ án và nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì cần thiết phải quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung (khoản 2 điều 73 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003).


Ngoài ra, tôi cho rằng phía Ngân hàng Nam Á phải có trách nhiệm vì đã không bảo đảm tài sản tiền gửi của khách hàng, để xảy ra sơ sót không kiểm tra người với hình trong CMND trong quá trình rút tiền; khi xảy ra vụ việc thì các thiết bị quan sát, lưu trữ lại không hiệu quả, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm.

img

Minh họa: Nguyễn Tài 


img

Thạc sĩ - luật sư

Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Chứng cứ phải là những gì có thật

Điều 64 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà CQĐT, VKSND và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.


Chứng cứ được xác định bằng: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.Khoa học Luật Tố tụng Hình sự xác định chứng cứ có 3 thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.


Trong vụ án này, lời khai của nhân chứng N.T.H cho rằng sau khi sự việc xảy ra, N.T.H lên mạng tìm kiếm thông tin liên quan đến diễn viên H.T.T.T thì thấy diễn viên Vũ Ngọc Ánh và N.T.M.P có đặc điểm bên ngoài giống với hai người con gái đến ngân hàng vào chiều 14-7-2008. Xét về tính khách quan của chứng cứ, đòi hỏi những nguồn (phản ánh thông tin) phải có thật, không bị sai lệch, giả tạo; không được suy đoán, tưởng tượng... mà những sự kiện do thông tin đó xác định cũng phải là sự kiện xảy ra trong thực tế khách quan. Trong trường hợp này, lời khai của N.T.H mang tính suy đoán, không phản ánh đúng đắn về sự kiện đã xảy ra trong thực tế khách quan nên không thể dùng vào việc giải quyết vụ án.

Trong khoa học hình sự, có các dạng kết luận sau: Kết luận khẳng định, kết luận khả năng và không kết luận được. Phân tích kết quả của việc giám định chữ viết, có thể thấy đây là dạng kết luận khả năng, tức là kết luận không dứt khoát đối với vấn đề giám định đã được đặt ra nhưng nó có xu hướng xác định về một người, một vật hoặc về một sự vật nhất định. Vì vậy, kết luận dạng này chỉ có giá trị tham khảo, dùng để xây dựng giả thuyết điều tra và không được xem là chứng cứ.  Bên cạnh đó, nội dung trong bản kết luận giám định chữ ký được xem là chứng cứ khi hội đủ 3 thuộc tính của chứng cứ, nếu không nó chỉ là nguồn chứng cứ nhưng không phải cứ có nguồn chứng cứ là đã xác định được chứng cứ.

img

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi:

Cần một hệ thống chứng cứ toàn diện


Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội. Trong vụ án này, từ đầu, Vũ Ngọc Ánh đã khẳng định không thực hiện hành vi lừa đảo. Vì vậy, cơ quan tố tụng phải hết sức thận trọng.  Nguyên tắc tố tụng hình sự đặt ra yêu cầu trong quá trình tiến hành tố tụng, người và cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập một hệ thống chứng cứ toàn diện (cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội).

Trong vụ án này, kết quả nhận dạng của nhân viên ngân hàng N.T.H cũng chỉ khẳng định được Vũ Ngọc Ánh đã đóng phim Nữ sinh. Việc N.T.H nhận ra người rút tiền ngày 14-7-2008 là Vũ Ngọc Ánh trong phim Nữ sinh thì không có căn cứ chắc chắn, cần xem lại khả năng nhận dạng của N.T.H. Theo quy trình rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng, N.T.H có trách nhiệm kiểm tra xác định người đến giao dịch có phải là người trong ảnh trên giấy CMND hay không? N.T.H đã trực tiếp đối chiếu ảnh CMND bản chính với người đến giao dịch ngày 14-7-2008 và cho rút tiền, không nhận ra có đúng là H.T.T.T hay không, hôm sau lại nhận ra người rút tiền không phải là H.T.T.T mà là Vũ Ngọc Ánh do thấy  trong phim. Như vậy, lời khai của N.T.H cho rằng Vũ Ngọc Ánh là người giao dịch rút tiền ngày 14-7-2008 là không đáng tin cậy để xem là chứng cứ vững chắc để buộc tội. Đây không phải là nguồn chứng cứ khẳng định.


Kết luận giám định chữ viết khẳng định chữ trên tài liệu rút tiền ngân hàng là của Vũ Ngọc Ánh viết ra. Liệu mẫu chữ của Ánh được dùng để giám định so sánh có phải là chữ của Ánh trong thời điểm xảy ra sự việc không (tháng 7-2008)? Bởi vì nét chữ theo thời gian sẽ có những thay đổi nhất định, không thể so sánh nét chữ trong thời điểm này với mẫu chữ trong thời điểm khác mà có cách biệt quá xa về thời gian.


Theo Vũ Ngọc Ánh, mẫu chữ dùng để giám định lần 2 (và kết luận “do cùng một người viết ra”) là mẫu chữ của Ánh từ thời học phổ thông, thời điểm xảy ra sự việc Ánh đã là sinh viên đại học năm thứ hai. Nếu như vậy, tính khách quan của kết luận giám định chưa cao, chưa đủ để khẳng định Ánh đã viết trên hồ sơ rút tiền.

Ngoài ra, trong vụ án này, việc đánh giá lời khai người bị hại rất cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Nếu H.T.T.T chỉ quen Ánh và M.P trong thời gian đóng phim (tháng 2 đến tháng 3-2008) sau đó gặp lại một, hai lần khi tổng kết phim thì cần đánh giá lời khai này để chứng minh không có căn cứ để cho rằng Vũ Ngọc Ánh biết và lấy sổ tiết kiệm, CMND để rồi mạo nhận rút tiền.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo