Theo kế hoạch từ ngày 6 đến 8-5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ mở phiên xử giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải - 34 tuổi, bị tuyên tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Vụ án 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại đến nay kéo dài hơn 12 năm và đó cũng là thời gian tử tù Hồ Duy Hải và gia đình "chết đi, sống lại" nhiều lần.
Dấu vân tay cùng con dao... "lên tiếng"
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM) - người tham gia hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải - nói ngay từ phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan, không thừa nhận mình là người đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. "Chính vì lẽ đó, mong mỏi của tôi không gì khác hơn là bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt là khi Hải đã bị kết án tử hình và có thể bị chết oan, không sao có thể khắc phục hay sửa chữa được nữa. Từ đó, thôi thúc tôi đi khắp nơi để tìm nhân chứng, kêu oan thay cho Hải. Thương xót nhất là người mẹ, chân đã mỏi, mắt đã mờ và không thể chảy nước mắt được vì đã cạn dòng" - luật sư Phong nói lý do kiên trì tham gia hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải.
Theo ông, cách đây ít hôm, ông đã gửi đơn để cung cấp chứng cứ mới đến Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, qua đó phản bác nhiều điều cáo trạng đã quy kết. Cụ thể, kết luận giám định có nêu: "Các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường vụ án không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải". Thế nhưng, thông tin này đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chưa hết, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Long An đã nói dối khi nói rằng "dấu vân tay không giám định được". Mâu thuẫn như vậy nhưng vẫn tuyên án là điều oan ức.
Hồ Duy Hải cùng bà ngoại khi vụ án mạng ở Bưu điện Cầu Voi chưa xảy ra. (Ảnh do gia đình Hồ Duy Hải cung cấp)
Chứng cứ ngoại phạm thứ hai được đưa ra chính là việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An kết luận Hồ Duy Hải đã dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân nhưng thực tế không thu được tang vật nào như vậy. Đáng nói, sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, Cơ quan CSĐT lại cử người ra chợ mua một con dao và dùng để làm chứng cứ buộc tội. Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, đây không phải là tang vật.
Nhân chứng cũng ngỡ ngàng
Cũng theo luật sư Trần Hồng Phong, bản cáo trạng viết: "Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện tại thời điểm gây án". Với tình tiết này, cho thấy đây là nhân chứng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định hung thủ là ai. Thế nhưng khi xét xử, tòa đã không triệu tập nhân chứng này tham gia phiên tòa. Trong khi đó, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường chỉ khai "nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận diện được". "Việc anh Đinh Vũ Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải, được gia đình Hải trình bày trong rất nhiều đơn cầu cứu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên công bố và gửi chứng cứ" - luật sư Trần Hồng Phong nhấn mạnh.
Theo luật sư Phong, để có được thông tin quý giá trên, nhiều năm liền ông đã đi khắp nơi xác minh thông tin. Ông đã tiếp cận anh Đinh Vũ Thường tại TP HCM. "Tại cuộc gặp, anh Thường cho biết mình không hề được tòa án triệu tập tham dự phiên tòa. Đặc biệt, anh Thường khẳng định mình không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi. Anh Thường nêu câu hỏi: "Tôi không hề quen biết Hồ Duy Hải, cũng không thể nhận dạng thì làm sao có thể nhận ra đó là Hồ Duy Hải?" - ông Phong kể. Ngoài ra, theo ông Phong, khi ông đưa cho anh Thường xem cáo trạng và bản án, anh đã rất bất ngờ và khẳng định: Việc cáo trạng nói anh nhìn thấy Hồ Duy Hải là bịa đặt, không có thật.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, tại thời điểm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị là người yêu của 1 trong 2 nạn nhân. Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và đã bỏ trốn sau khi vụ án xảy ra. Cơ quan CSĐT đã từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Như vậy, Nguyễn Văn Nghị là một nhân chứng và thậm chí có thể là một nghi can. Thế nhưng sau đó, toàn bộ thông tin về Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách rất bất thường.
"Chúng tôi đã chuẩn bị mọi tài liệu để trình lên hội đồng thẩm phán lần này" - luật sư Trần Hồng Phong khẳng định.
Diễn biến vụ án
Sáng 14-1-2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc.
Trong vòng 1 tuần sau khi xảy ra vụ án mạng, nhiều thanh niên trong khu vực hoặc có quan hệ tình cảm, quen biết với 2 nạn nhân đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thẩm tra xét hỏi. Trong số đó, có một nghi can tên là Nguyễn Văn Nghị, là bạn trai của 1 trong 2 nạn nhân. Hai tháng sau đó, Hồ Duy Hải bị bắt và bị kết luận là hung thủ. Sau đó, cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản".
Ngày 24-10-2011, viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án. Ngày 4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22-11-2019, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại.
Chỉ có nước mắt làm bạn trên mọi nẻo đường!
Cho đến thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) không bao giờ quên ngày bà đang chăm mẹ tại nhà thì nhận được tin công an mời con bà lên làm việc, chiều sẽ thả về. Bà băng ruộng, lội đồng lên chờ trước cổng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An để rước con. Để rồi, bà lại được thông báo con bà vài ngày tới mới được về. Vậy mà sau đó, công an đến khám xét nhà và tại đây theo bà công an đã "mượn đỡ" bộ trang sức của con gái bà. "Đến năm 2009, khi gia đình tôi phản ứng quá thì công an mới gọi lên trả lại vàng đã "mượn đỡ" của con gái tôi. Tuy nhiên, điều tra viên nói rằng đã làm mất giấy tờ chứng minh là vàng gia đình bà mua ở tiệm. Tôi đi đâu kêu oan cho con tôi cũng photocopy tờ giấy trả lại 4 chiếc cà rá (nhẫn) mà công an đã lấy trước đó" - bà Loan nghẹn ngào nói.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình. Bà Loan nói bà trông chờ công lý sẽ đến với con bà nhưng bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình. Kể từ đó, bà Loan và chị ruột của mình đã thay phiên nhau đi Hà Nội gửi đơn cầu cứu. Bà kể bà đi xuyên suốt, cứ có tiền là đi. Có tháng đi một lần, có tháng đi nhiều lần; có tiền nhiều thì bà đi máy bay, hết tiền bà đi tàu lửa, cạn tiền bà đi xe buýt ra ga Sài Gòn mua ghế cứng ngồi ra đến Hà Nội. Để có tiền trang trải, ăn uống cho hành trình kêu oan, bà phải bán đất, bán nhà và vay mượn khắp nơi.
Ròng rã 12 năm trời, bà nuôi hy vọng, lùng sục địa chỉ làm việc, nhà ở của chánh án TAND Tối cao để mong được gặp, được đưa trực tiếp lá đơn đẫm mồ hôi, nước mắt với cả tấm lòng một người mẹ. Người mẹ này nói niềm tin, sự động viên của họ hàng, lối xóm là sức mạnh vô hình giúp bà đi khắp nơi gửi đơn cầu cứu. Nói về hành trình đi tìm công lý, bà tự hỏi rằng có người mẹ nào chịu nhiều đau khổ như bà, có đứa con nào chịu nhiều đau đớn, giày vò về thể xác và tinh thần như Hồ Duy Hải? "Một người mẹ gầy còm đội trên 2.000 bộ đơn đi từ Nam ra Bắc để cầu cứu cho con nhưng không được giải quyết. Tôi đi với một tâm trạng rất nặng nề, tâm hồn sầu não chỉ có nước mắt làm bạn với tôi trên mọi nẻo đường, chẳng biết khóc cùng ai. Lặng lẽ mình đi với một tâm trạng không giống ai vì hai chữ công lý" - bà Loan chực khóc khi trò chuyện với chúng tôi.
Bà kể lần đầu đi trại giam thăm con, cán bộ dặn dò bà không được khóc khi nói chuyện với Hồ Duy Hải. Mỗi tháng bà đi trại giam thăm con một lần nhưng không được nói những vấn đề liên quan đến vụ án dù chỉ một lần. Bà Loan nói: "Nhìn con hốc hác, ốm o mà lòng tôi tan nát nhưng vẫn nén dạ, dặn mình phải mạnh mẽ, phải không được khóc vì con".
"Tôi rất mừng khi ngành tòa án đã lên kế hoạch cho phiên giám đốc thẩm. Tôi có một niềm tin mãnh liệt, bằng trái tim của một người mẹ, tôi tin con tôi bị oan. Tôi có một khát vọng tột cùng đó là tòa án phải trả tự do cho con tôi. Đến nay đã 12 năm, cán cân công lý phải trở về đúng vị trí của nó, lẽ phải và công bằng phải được thực thi" - bà Loan chia sẻ.
Phạm Dũng
Bình luận (0)