Sau 6 ngày xét xử và nghị án, chiều 16-7, TAND TP HCM đã đưa ra phán quyết đối với băng nhóm lừa đảo qua mạng xã hội do người Nigeria cầm đầu.
Theo đó, hai bị cáo quốc tịch Nigeria là Ihugba Augustine Chinonso (SN 1986) lãnh 16 năm tù, Onu Chinonso Peter (SN 1985) lãnh 12 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng phạm tội trên, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (SN 1991, ngụ TP HCM), Lê Thị Mai Phương (SN 1982, ngụ TP Hà Nội) bị phạt lần lượt 13 và 8 năm tù.
Đóng vai trò giúp sức tích cực trong đường dây lừa đảo, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (bìa trái) lãnh 13 năm tù
Ngoài ra, TAND TP HCM xử phạt bị cáo Trần Viết Hùng (SN 1982, ngụ Hà Nội) 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 4 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Bị cáo Lê Văn Nhóc (SN 1995, ngụ tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (SN 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị phạt mỗi người 12 năm tù. Trong đó, HĐXX phán quyết 2 năm tù giam về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, các bị cáo phải bồi thường khoản tiền đã chiếm đoạt.
HĐXX sơ thẩm nhận định trong phiên xử, hai bị cáo người Nigeria khiếu nại về việc mình bị ép cung và kêu oan.
Tuy nhiên, nội dung tố cáo không có tính thuyết phục. Bị cáo không đưa ra bằng chứng chứng minh việc bị ép cung.
Hơn nữa, trong thời gian điều tra, cơ quan chức năng có thông báo Tổng lãnh sự quán Nigeria tại TP HCM đến giám sát; đồng thời giải thích, phổ biến về quyền mời luật sư tham gia trong quá trình điều tra, xét xử. Song, bị cáo từ chối. Do đó, HĐXX xét thấy không có căn cứ chấp nhận khiếu nại.
Tại phiên tòa, bị cáo Phương lên tiếng kêu oan và cho rằng mọi việc đều do Tuyết và chồng mình là Hùng bàn bạc, thực hiện.
Trước chứng cứ, tài liệu trích xuất từ điện thoại, máy tính và lời khai từ những bị cáo khác, thông tin bị hại cung cấp, HĐXX kết luận cơ quan pháp luật đủ bằng chứng định tội đối với bị cáo này.
Hai bị cáo người Nigeria che mặt suốt phiên xử (ảnh: H.N)
Theo cáo trạng, lợi dụng các trang mạng xã hội (Facebook, zalo…), một số đối tượng người Nigeria chủ động kết bạn với phụ nữ Việt. Sau đó, những thanh niên này đặt vấn đề tình cảm và đề cập việc gửi tiền, quà từ nước ngoài về tặng nạn nhân.
Các đối tượng ở nước ngoài này cấu kết với đồng phạm người Việt Nam giả danh nhân viên công ty vận chuyển, cán bộ hải quan, công an… rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền trước khi nhận quà. Không chỉ vậy, nhóm tội phạm nhắn tin, gửi mail giả thông báo trúng thưởng rồi đề nghị bị hại chuyển tiền vào tài khoản do nhóm này dùng giấy tờ giả đăng ký. Vì ham lợi và cả tin, không ít người sập bẫy.
Các bị cáo liên tục cúi đầu, che mặt khi ra xe dẫn giải (ảnh: H.N)
Cụ thể, tháng 1-2016, bà Ngô Thị Hồng C. quen biết một thanh niên nước ngoài, tự nhận mình là người Anh, qua Facebook. Thanh niên này đã dùng thủ đoạn trên và bà C. đã chuyển hơn 27 triệu đồng cho một "nhân viên vận chuyển", 80 triệu đồng cho "nhân viên hải quan" để được nhận quà "khủng". Đến lúc được một "cảnh sát kinh tế" báo phải đóng 200 triệu đồng mới được nhận hàng thì quý bà này mới nghi ngờ mình bị lừa và báo công an.
Công an xác minh người mạo danh công an là Trần Viết Hùng, nhân viên "công ty vận chuyển" là vợ Hùng - Lê Thị Mai Phương.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện năm 2015, Ihugba Augustine Chinonso được đồng bọn cử sang Việt Nam với mục đích tìm người mở tài khoản ngân hàng, hướng dẫn họ chiêu trò lừa đảo.
Đến Việt Nam, Ihugba Augustine Chinonso (tức Ben) hợp tác với Tuyết. Qua Tuyết, nhóm tội phạm kết nạp thêm vợ chồng Phương, Hùng. Sau một thời gian ngắn, đường dây lừa đảo ngày một phát triển khi có Nhóc, Thành, Hải gia nhập.
Qua xác minh tại ngân hàng, ngoài bà C., rất nhiều nạn nhân gửi tiền vào 80 tài khoản do nhóm tội phạm này dùng giấy tờ giả đăng kí; số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
Bình luận (0)