Sáng 3-6, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cùng 8 bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cầu Bến Thủy II đi qua địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, các bị cáo đưa ra xét xử gồm: Lê Duy Việt (SN 1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân; Nguyễn Văn Hóa (SN 1975), nguyên cán bộ địa chính UBND thị trấn Xuân An; Nguyễn Văn Đức (SN 1962), nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân; Lê Quang Sáng (SN 1981), nguyên Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân; Đậu Hữu Tuất (SN 1960), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân; Phan Duy Khương (SN 1971), nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An; Nguyễn Công Minh (SN 1944); Đậu Hữu Thân (SN 1956) và Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1975) về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, có 3 bị cáo Đức, Sáng và Tuất còn bị xét xử thêm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, năm 2011, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cầu Bến Thủy II đi qua địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, các bị cáo Hóa, Sáng, Đức, Tuất, Việt, Khương và Minh là các thành phần trong Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBT-GPMB) Dự án cầu Bến Thủy II. Còn Thân, Nhung là công dân tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân đã có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, Hóa (là thành viên HĐBT-GPMB) với động cơ tình cảm cá nhân đã bàn bạc thống nhất với Thân sử dụng 2 bộ hồ sơ khống mạo tên Hóa và Trương Hữu Hiền để hợp thức hóa các thủ tục, trong đó có cả tài liệu giả và nộp cho hội đồng bồi thường để nhận hơn 902 triệu đồng tiền bồi thường trái quy định. Hành vi của Hóa đã làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, còn Thân phạm tội với vai trò đồng phạm.
Đối với các bị cáo Sáng, Đức, Tuất (là thành viên HĐBT-GPMB), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thẩm định hồ sơ mang tên Hóa và Hiền dẫn đến việc bồi thường sai đối tượng, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 902 triệu đồng.
Mặc dù các bị cáo Hóa, Sáng, Đức, Tuất, Việt, Khương và Minh là thành viên của HĐBT biết rõ hộ Nguyễn Thị Hồng Nhung không thuộc diện được bồi thường nhưng vẫn cố ý lập hồ sơ khống, bồi thường cho Nguyễn Thị Hồng Nhung trái quy định, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền trên 149 triệu đồng.
Hành vi phạm tội của Hóa đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 1 tỉ đồng; Đậu Hữu Thân gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 902 triệu đồng; Lê Quang Sáng, Nguyễn Văn Đức, Đậu Hữu Tuất, Lê Duy Việt, Phan Duy Khương, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Thị Hồng Nhung, cố ý làm trái đối với việc bồi thường cho hộ Nguyễn Thị Hồng Nhung gây thiệt hại trên 149 triệu đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình. HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù, Đậu Hữu Thân 30 tháng tù, Nguyễn Văn Đức 18 tháng tù, Lê Quang Sáng 18 tháng tù cho hưởng án treo, Đậu Hữu Tuất, 18 tháng tù cho hưởng án treo, Lê Duy Việt 6 tháng tù cho hưởng án treo, Phan Duy Khương 7 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Công Minh 7 tháng tù cho hưởng án treo và Nguyễn Thị Hồng Nhung 7 tháng tù cho hưởng án treo.
Bình luận (0)