Ông T.H.V (SN 1990) và ông T.X.N (SN 1983) là anh em họ. Hai người góp vốn mở một xưởng mộc ở tỉnh Long An từ đầu năm 2018.
Đến cuối năm, do nhu cầu mở rộng nhà xưởng, hai anh em bàn bạc đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế đồ gỗ (mặt hàng chủ yếu là nội thất chung cư, nhà ở). Vì là người thân nên hai bên không làm biên bản, văn bản thỏa thuận.
Người thất tín
Do ông T.X.N (anh họ) không có tiền mặt, ông T.H.V chấp nhận bỏ "tiền túi" gần 400 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị như kế hoạch bàn thảo từ trước. Theo thỏa thuận, khi nào hai bên chấm dứt hợp tác, ông V. sẽ có toàn quyền định đoạt số máy móc, thiết bị trên.
Giải thích lý do lui tới chốn công đường, ông V. tức tối: "Mới đây, một số nhân viên báo với tôi là ngân hàng đến kê biên nhiều tài sản ở xưởng mộc, trong đó có tất cả máy móc, thiết bị mà tôi bỏ tiền ra mua về. Khi tôi tra hỏi, anh họ mới thú nhận anh ấy vay ngân hàng và thế chấp nhiều tài sản ở nhà xưởng, bao gồm cả những tài sản vốn thuộc sở hữu cá nhân tôi". Đó là lý do ông V. khởi kiện ngân hàng và anh họ.
Theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa 2 anh em, ông N. chịu trách nhiệm quản lý, vận hành xưởng mộc; ông V. là cổ đông rót vốn, tìm kiếm khách hàng. Ông V. nói rằng ông tin tưởng người thân quản lý nhà xưởng nên ít giám sát, kiểm tra tình trạng tài sản, tài chính.
Đại diện ngân hàng cho hay quá trình vay vốn, ông N. vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp, tiến hành bán đấu giá nhằm thu hồi nợ.
Người liên lụy
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Tranh chấp kiện đòi tài sản" giữa nguyên đơn là ông T.H.V với bị đơn là ông T.X.N và ngân hàng, kéo dài hơn 1 ngày. Dù vậy, HĐXX vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.
Suốt quá trình tòa án giải quyết vụ kiện, ông N. liên tục gửi đơn xin vắng mặt. Tại tòa, ông V. cho rằng việc ông bỏ tiền mua máy móc, thiết bị như vậy là hợp tác đầu tư với ông N. Đó là tài sản riêng, không liên quan đến tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng giữa ông N. với ngân hàng. Mặc dù ông V. và ông N. không báo tin cho bên nhận thế chấp nhưng lúc biết tài sản bị bán đấu giá, ông V. nhiều lần trực tiếp điện thoại nói chuyện với cán bộ ngân hàng cũng như gửi văn bản yêu cầu văn phòng công chứng trên địa bàn không thực hiện công chứng chuyển nhượng tài sản. Thế nhưng, phía ngân hàng vẫn phát mãi tài sản. Ông V. đề nghị tòa án buộc ngân hàng hoàn trả số máy móc, thiết bị mà ông bỏ tiền cá nhân ra mua về xưởng mộc.
Chủ tọa yêu cầu ông V. cung cấp tài liệu chứng minh bản thân là chủ sở hữu máy móc, thiết bị mà ông liệt kê tại đơn khởi kiện. Ngoài hóa đơn cùng phiếu mua hàng, ông V. không cung cấp chính xác địa chỉ cửa hàng, cá nhân bán hay lắp đặt sản phẩm. Do đó, cơ quan xét xử không thể xác minh nhằm làm rõ lập luận ông V. đưa ra.
Trái lại, ông V. cho rằng điều này không cần thiết vì ông N. đã có văn bản thừa nhận nội dung ông V. trình bày với tòa án là sự thật.
Sau giờ giải lao, ông V. bất ngờ thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. "Nếu phía ngân hàng không chấp nhận trả tài sản, tôi đề nghị HĐXX buộc anh họ trả lại tôi hiện vật hoặc tiền mặt có giá trị tương đương số tài sản đó. Hoặc 2 bị đơn có nghĩa vụ liên đới hoàn trả tôi..." - ông V. nhấn mạnh.
Đại diện ngân hàng cũng tỏ ra khá gay gắt, cho rằng bên vay vốn (ông N.) tự nguyện bàn giao tài sản sau khi hết khả năng thanh toán nợ. "Đúng là lúc ký hợp đồng tín dụng, những máy móc, thiết bị nguyên đơn đề cập chưa có. Đến khi chúng tôi chuẩn bị kiểm tra, làm thủ tục thu hồi tài sản - xử lý nợ thì bên vay vốn xác nhận đó là tài sản đầu tư tăng thêm. Ông N. chấp nhận phương án chúng tôi thu hồi luôn những tài sản này để cấn trừ nợ" - đại diện ngân hàng giải thích; đồng thời kiên quyết không chịu trách nhiệm trước những rắc rối giữa người vay với đối tác hay người góp vốn làm ăn chung.
Đến tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan, ông Đ.N.A (SN 1991) thấy rằng cá nhân ông là người trúng đấu giá toàn bộ máy móc, thiết bị, phương tiện ở xưởng mộc mà ngân hàng rao bán đấu giá. Không cơ quan chức năng nào kết luận hoặc có ý kiến tiêu cực liên quan đến quy trình đấu giá. Nghĩa là, ông đã mua tài sản hợp pháp, là bên thứ ba ngay tình. Ông A. khẳng định: "Không có lý nào tôi phải trả lại tài sản khi tôi không làm sai bất cứ điều gì!".
Phiên tòa tiếp tục gián đoạn khi HĐXX yêu cầu các bên cung cấp thêm nhiều giấy tờ, văn bản.
Bước ra khỏi phòng xử án, ông Đ.N.A lắc đầu ngao ngán. Ông đã đóng hết tiền nhưng chưa thể nhận tài sản vì vướng kiện tụng. "Đúng là rắc rối từ trên trời rơi xuống đầu tôi, chẳng biết khi nào mới kết thúc" - ông A. than vãn.
Bảo vệ bên thứ ba ngay tình
Luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích chiếu theo quy định pháp luật, tòa án có thể buộc ông T.X.N trả lại tài sản bằng tiền tương đương giá trị tài sản từ kết quả định giá. Pháp luật không đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi trả lại tài sản bằng hiện vật vì tài sản đã có người mua thông qua đấu giá hợp pháp. Đây là bên thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ.
Bình luận (0)