Mẹ bị cáo H.V.Đ (SN 1957, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn-TPHCM) thở dài nói với chúng tôi: “Từ lúc 25 tuổi đến giờ, không ngày nào mà nó không nhậu. Tờ mờ sáng đã nhậu, nhậu riết mới thành ra như vậy...”.
Một mâu thuẫn nhỏ cũng giết người
Từ 5 giờ ngày 20-6-2011, ông Đ. đã bắt đầu một ngày mới bằng việc… uống rượu. Một lát sau, đã có ông H.N.Q (51 tuổi, hàng xóm) qua làm bạn nhậu. Chén tạc chén thù đến 11 giờ, ông Đ. kêu ông Q. về nhưng ông Q. không chịu, vẫn muốn tiếp tục cuộc nhậu đang hồi vui vẻ. Bất đồng ý kiến, hai bên cãi nhau rồi nảy sinh mâu thuẫn. Trong cơn say, ông Đ. đã dùng dao đâm chết người vừa ngồi nhậu với mình.
Bị cáo H.V.Đ đang nghe tòa tuyên án
Cũng chính ma men đưa lối, L.T.K (SN 1988, ngụ quận 3-TPHCM) đã nhẫn tâm đâm 5 nhát dao vào người của N.V.L (đồng nghiệp của K.) chỉ từ một chuyện tưởng chừng rất nhỏ. Trong lúc cùng nhậu, L. và N.V.S (đồng nghiệp của K. và L.) cãi vã nhau về việc S. nói sẽ nghỉ làm để đi xin việc nơi khác.
Mọi việc tưởng như kết thúc khi S. đứng dậy về trước nhưng trong lúc chỉ còn L. và K. ngồi nhậu, L. nhắc lại chuyện S. định nghỉ làm và nói sẽ đánh S. Nghe xong, K. nói: “Mày dưới quê lên, biết gì chuyện người ta mà nói?”. Trong cơn say, câu nói tưởng chừng bình thường lại khiến L. cho đó là lời xúc xiểm nên liền đứng lên gằn giọng hỏi: “Ý mày là sao?”, rồi cầm ca uống nước bằng inox đánh vào mặt K. Xung đột nổ ra, một mạng người đã ra đi...
Sau khi nhậu tại nhà chú ruột ở đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh - TPHCM, D.Q.Th (ngụ quận Bình Thạnh) lấy xe đi làm. Có men rượu, Th. loạng quạng tay lái và xảy ra va chạm xe với T.T.P (cùng ngụ quận Bình Thạnh).
Biết mình sai, Th. đồng ý bồi thường cho P. 300.000 đồng nhưng vì không có tiền trong người, Th. gọi điện cho người nhà đến giải quyết. Thấy vậy, P. cũng điện thoại báo cho mẹ biết. Tình cờ nghe chuyện, T.T.T.Ph (em trai P., SN 1992, ngụ quận Bình Thạnh) chạy xe đi tìm anh.
Đến nơi, Ph. chỉ đứng nhìn khi thấy anh và Th. đang thương lượng việc bồi thường. Thế nhưng, khi người nhà của Th. đến, trong đó có những người cũng có hơi men, chưa tìm hiểu rõ sự việc đã lớn tiếng chửi thề và lần lượt xông vào dùng mũ bảo hiểm đánh P., Ph. lập tức quay về nhà lấy dao ra đâm một người bị thương và đâm chết một người khác (cậu của Th.).
Cái giá phải trả
Trong phiên tòa xử bị cáo H.V.Đ vào ngày 25-4, điều duy nhất đọng lại trong lòng những người dự khán là nỗi đau của 3 người phụ nữ. Đó là mẹ, vợ của bị cáo và vợ của người bị hại. Dù ở hai “chiến tuyến” nhưng họ lại đồng cảm với nhau bởi đều là mẹ, là vợ của “đệ tử lưu linh”. Có chồng thích nhậu hơn thích làm, cả 2 người vợ ấy phải tần tảo sớm hôm đi giúp việc nhà cho người ta để nuôi chồng con.
Cuộc sống càng khốn đốn hơn từ sau khi vụ án xảy ra. Nhà nghèo, vợ của ông Q. phải chạy vạy để có chi phí mai táng cho chồng, nợ chồng nợ. Phía bên kia, vợ của ông Đ. dù cố hết sức cũng chỉ khắc phục một phần rất nhỏ hậu quả cho gia đình người bị hại, còn một số tiền lớn tòa tuyên thì cũng chưa biết phải xoay xở bằng cách nào, lại phải hằng tháng thăm nuôi chồng nhận bản án tù chung thân.
Đối với K. và L. - những thanh niên có tuổi đời còn trẻ mang ước mơ lên thành phố lập nghiệp, mong được đổi đời, chưa kịp làm được gì thì một người vĩnh viễn ra đi, người kia mang bản án 15 năm tù, đặt dấu chấm hết cho ước mơ và tuổi trẻ.
Còn với Ph., dù không uống rượu nhưng vì thiếu kiềm chế trước những hành vi không đúng của những người say rượu đã trở thành tội phạm và đối mặt với bản án 20 năm tù giam về tội giết người.
Người phạm tội trong trường hợp say rượu không kiềm chế được bản thân không được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. |
Bình luận (0)