Sáng nay 16-12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 31-12, bao gồm cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người: 2 Thẩm phán, 3 Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu là Chủ tọa phiên tòa. 3 Kiểm sát viên cao cấp đại diện cho VKSND TP Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm: ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng.
Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn - Ảnh: Bộ Công an
Do tính chất quan trọng của vụ án, Tòa án và VKSND TP Hà Nội bố trí thêm 6 Thẩm phán dự khuyết, 2 Hội thẩm nhân dân dự khuyết và 1 Kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa.
Sáng sớm nay 16-12, 2 nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã được dẫn giải tới tòa bằng xe đặc chủng. Ông Nguyễn Bắc Son mặc áo phao sẫm màu, tóc gần như bạc hết. Ông Trương Minh Tuấn mặc báo bludông, trông khá gầy so với trước khi bị bắt tạm giam.
Hai nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son...
... và Trương Minh Tuấn bị dẫn giải tới tòa
Trong 14 bị cáo đưa ra xét xử, có 13 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Bắc Son (nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ TT-TT), Trương Minh Tuấn (nguyên bộ trưởng Bộ TT-TT), Phạm Đình Trọng (nguyên vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT); Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên tổng giám đốc MobiFone). Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ". Ngoài ra, 4 bị cáo: Son, Tuấn, Hải, Trà còn bị truy tố thêm tội "Nhận hối lộ".
Trong phần kiểm tra căn cước, do sức khoẻ yếu nên bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Nhật Vũ được HĐXX cho ngồi tại chỗ để trả lời các câu hỏi của HĐXX. Mặc dù HĐXX hỏi rõ ràng nhưng ông Nguyễn Bắc Son nhiều lần không nghe rõ, phải hỏi cảnh sát bên cạnh để trả lời, còn ông Trương Minh Tuấn trả lời trôi chảy các câu hỏi của HĐXX nhưng giọng hơi yếu.
Các bị cáo Nguyễn Bắc Son...
... Trương Minh Tuấn ngồi trả lời - Ảnh: TTXVN
Video clip bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phần kiểm tra căn cước
Video clip bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phần kiểm tra căn cước
Video clip bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phần kiểm tra căn cước
Video clip bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phần kiểm tra căn cước
Tòa không chấp nhận yêu cầu xử kín một phần vụ án
Tại phần thủ tục phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, cựu Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông… Ngoài ra, luật sư này cũng đề nghị tiếp tục giải mật một số tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa được giải mật. "Đề nghị HĐXX vẫn cho luật sư tiếp cận với những tài liệu không được giải mật, nếu cần xử kín trong một giai đoạn nào đó đối với những tài liệu đó" – luật sư bào chữa ông Tuấn kiến nghị.
Giải đáp các vấn đề tại phần thủ tục, HĐXX cho biết, tại phiên toà hôm nay có một số người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có con gái của ông Nguyễn Bắc Son.
Ngay sau đó, đại diện VKS cho biết tại phiên toà có một số nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Tuy nhiên quá trình điều tra, những người này đã có lời khai nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Một số trường hợp được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do và với đề nghị triệu tập thêm đại diện một số cơ quan, người làm chứng, VKS cho rằng vụ án được xét xử trong nhiều ngày, trường hợp cần thiết, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập họ tham gia phiên toà.
Về vấn đề giải mật hồ sơ vụ án, đại diện VKS khẳng định phần lớn những tài liệu đã được giải mật. Với những văn bản chưa được giải mật thì nội dung đã được đề cập trong kết luận điều tra, được đánh số bút lục trong vụ án… Việc luật sư đề nghị xử kín một phần, VKS cho rằng TAND TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai nên đề nghị HĐXX không hoãn phiên toà, vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
Sau ít phút hội ý, HĐXX trở lại phòng xử án và cho biết những người vắng mặt, tòa có thể tiếp tục triệu tập họ do phiên toà kéo dài nhiều ngày. Liên quan tới các tài liệu mật, Toà đã gửi yêu cầu tới các cơ quan giải mật nhưng chưa nhận được trả lời.
"Toà sẽ tiếp tục yêu cầu giải mật trong quá trình diễn ra phiên toà. Tuy nhiên nội dung các văn bản mật, tối mật đã có nội dung trong kết luận thanh tra, điều tra"- chủ toạ nói và cho rằng TAND TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai nên yêu cầu xử kín một phần vụ án không được chấp nhận.
Theo cáo trạng, trước khi MobiFone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin việc AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD để đàm phán với MobiFone về giá mua bán AVG. Sau đó, Phạm Nhật Vũ nhiều lần liên hệ, trao đổi, đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng các bị can khác để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng nhằm mang lại lợi ích cho AVG.
Quá trình chỉ đạo để mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng các bị can ở mỗi vị trí, vai trò của mình đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, các bị can biết rõ Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị can Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua 8.898,3 tỉ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12-2015. Kết quả, Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.898 tỉ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỉ đồng, đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone.
Khi chỉ đạo và thực hiện dự án, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau các bị can đã quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG. Qua đó, các bị can này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ.
Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho: Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Các bị can nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG, nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện Dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can Nguyễn Bắc Son chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ TT-TT; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, VKSND Tối cao khẳng định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son khai sau khi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, đã đưa cho Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái Nguyễn Bắc Son) tại nhà riêng của Son, mỗi lần đưa từ 300.000 USD đến 400.000 USD. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ Nguyễn Bắc Son.
Căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Thu Huyền. VKS khẳng định hành vi của Nguyễn Thị Thu Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền hơn 68 tỉ đồng do các bị can và gia đình giao nộp. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà nộp hơn 54 tỉ đồng, gia đình Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỉ đồng, gia đình bị can Trương Minh Tuấn nộp 2 tỉ đồng… Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kê biên nhà đất của bị can Trương Minh Tuấn tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội)…
Bình luận (0)