Bầu không khí nặng nề bao trùm phòng xét xử vụ án "Ly hôn, tranh chấp về nuôi con chung" giữa anh Ð.V.N (SN 1978) và chị L.T.D (SN 1985). Ngoài việc ra tòa chấm dứt ràng buộc hôn nhân, họ còn coi phòng xử án là nơi giải tỏa nỗi niềm...
Không ai tin ai
Anh Ð.V.N và chị L.T.D kết hôn từ năm 2007. Ở riêng đến năm 2011, hai vợ chồng dọn về ở chung với cha mẹ anh N.
Do đặc thù công việc nên người chồng chỉ về nhà vào dịp nghỉ phép, ngày nghỉ. N. giải thích đó chính là lý do anh muốn vợ con về nhà cha mẹ. Sau thời gian ngắn hạnh phúc, gia đình bắt đầu lục đục, rồi anh N. đệ đơn ly hôn ra tòa án.
Minh họa: KHỀU
Trả lời HÐXX về nguyên nhân ly hôn, N. nói khi anh công tác xa nhà, chị D. thường bất hòa với cha mẹ chồng. Ðáng giận hơn, chị có "quan hệ ngoài luồng". Gia đình không chấp nhận một người con dâu như vậy. Cha mẹ anh N. từng đuổi chị D. ra khỏi nhà nhiều lần. Chị luôn hứa sửa chữa lỗi lầm nhưng cứ chứng nào tật nấy.
Cách đây gần một năm, chị D. mang theo 2 con dọn ra ngoài. Từ đó đến nay, 2 người chính thức ly thân. Họ không một lần gặp gỡ hay quan tâm đến nhau nữa.
"Cô D. ôm con, dọn đi lúc tôi và cha mẹ vắng nhà. Tình cảm vợ chồng đã hết, tôi chủ động ly hôn, coi như đôi bên giải thoát" - người chồng trình bày.
Không tán thành, người vợ giải thích vợ chồng họ xích mích vì anh N. quá nghe lời cha mẹ ruột. Chị D. ấm ức: "Anh N. không bao giờ có lập trường nên mới nghe lời cha mẹ quy kết tôi không chung thủy. Ðã không tin, không chia sẻ mà anh ta còn mặc kệ cha mẹ đuổi tôi ra khỏi nhà. Ðến quần áo, họ cũng không để tôi mang theo. Tôi ra đường trong tình trạng hai bàn tay trắng".
Suốt phiên tòa, cả hai đều nhìn nhau bằng ánh mắt trách cứ, bực dọc. Không tài sản chung nên quy trình giải quyết ly hôn ở tòa án không mấy phức tạp. Ðương nhiên, kết quả phiên tòa đúng như nguyên vọng họ mong mỏi.
Ly hôn là kết cục tất yếu khi lòng ngờ vực cùng sự thương tổn xen vào mối quan hệ vợ chồng.
Cuộc chiến "chia" con
Tuy nhiên, trách nhiệm nuôi con lại là vấn đề lớn nảy sinh tranh cãi, bất phân thắng bại giữa 2 người từng là vợ chồng, từng chung tâm trạng khi đón con chào đời.
Anh N. và chị D. có 2 con gái (SN 2008 và 2011). Nêu ý kiến về quyền nuôi con, anh N. cho hay từ khi ra ở riêng, 2 con ở cùng mẹ. Sau một hồi thương lượng, người chồng đề đạt phương án "chia" con. Tức là mỗi người nuôi một đứa. N. trần tình cả anh lẫn chị D. đều không đủ điều kiện một mình chăm sóc 2 con. Theo anh, mỗi người nuôi một con là cách tốt nhất.
HÐXX hỏi ý kiến chị D. về phương án này. Ngay tức thì, chị phản đối. Người vợ thông báo chị có kế hoạch ra nước ngoài làm việc. Chị giãi bày: "Hiện tôi vừa làm vừa học ngoại ngữ để hoàn thiện kỹ năng, hồ sơ xuất khẩu lao động. Vì vậy, tôi muốn giao lại 2 con. Tôi đồng ý cấp dưỡng hằng tháng".
"Tôi đi làm xa thì làm sao có thời gian gần gũi, chăm sóc con bằng cô D. Tôi thấy ít nhất vài năm nữa cô D. mới có thể xuất khẩu lao động. Thôi thì, cô cứ nuôi con, đến lúc đó chúng ta bàn lại" - người chồng tiếp lời. Anh cho rằng việc chị D. vẫn giữ quyền nuôi con sẽ không làm xáo trộn môi trường sống dẫn đến bất ổn tâm lý của 2 đứa trẻ.
Tranh luận về trách nhiệm nuôi con kéo dài, đến khi giờ làm việc kết thúc vẫn chưa có lối ra. HÐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Ra khỏi phòng xử án, anh N. cùng chị D. chưa muốn chấm dứt thương lượng về tương lai 2 đứa trẻ...
Nỗi lòng con trẻ
Ðến khu trọ nằm lọt thỏm giữa một KCN trên địa bàn TP HCM - nơi mẹ con chị L.T.D đang cư ngụ - chúng tôi bắt gặp cảnh 2 đứa trẻ tự nấu cơm, đợi mẹ về. Biết cha mẹ ra tòa, 2 đứa trẻ không khỏi sốt ruột, thấp thỏm. "Tụi con có thể tự lo mọi việc, chỉ mong cha mẹ đừng bỏ nhau thôi!" - con gái lớn bộc bạch.
Nghe con nói, chị D. vội vã quay mặt đi. Chị chia sẻ từ khi về ở với ông bà nội rồi ra ở trọ, 2 con gái rất ngoan, luôn tự giác. Hai đứa trẻ tự nấu ăn, dọn dẹp; tự đưa nhau đi học... Hai con chưa bao giờ làm chị phiền lòng mà chỉ có ước mong duy nhất, đó là cha mẹ quay về như xưa. Ðáng tiếc, cả chị và anh N. đều không thể chấp nhận cũng như thực hiện theo nguyện vọng mà 2 con gái mong muốn.
Bình luận (0)