Ngày 27-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra ở Ngân hàng TMCP Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank - từ năm 2015), tiếp tục làm việc.
Thay vì đại diện cơ quan công tố luận tội theo kế hoạch, HĐXX bất ngờ thông báo phiên tòa quay lại phần xét hỏi.
Không biết rõ nguồn gốc đất vẫn duyệt cho vay (?!)
Theo đại diện cơ quan công tố, năm 2007, Dương Thanh Cường lấy danh nghĩa doanh nghiệp (do Cường thành lập) mua 10,5 ha đất nông nghiệp (thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Sau đó, Cường mang 23 GCNQSDĐ đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) thế chấp vay 628 tỉ đồng. Dù biết rõ khu đất trên đã có quyết định thu hồi nhưng Dương Thanh Cường tiếp tục nại ra lý do hòng mượn lại 23 GCNQSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng từ Agribank CN 6. Sau đó, Cường lại dùng 23 GCNQSDĐ làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng Phương Nam, vay trót lọt hơn 185 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam thời điểm đó) và 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Phương Nam biết rõ doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn nhưng vẫn thông qua hồ sơ, cho vay hàng trăm tỉ đồng.
Hậu quả, Dương Thanh Cường mất khả năng trả nợ. Đại diện VKSND TP cáo buộc bị cáo Dương Thanh Cường tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Trầm Bê cùng 8 thuộc cấp tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bị cáo Trầm Bê tình nguyện khắc phục hậu quả thay cấp dưới
Tại tòa, đại diện VKS chất vấn bị cáo Trầm Bê về việc Ngân hàng Phương Nam thông qua hồ sơ vay hàng trăm tỉ đồng. Trong khi, tài sản thế chấp (23 GCNQSDĐ) không mang tên Dương Thanh Cường.
Trả lời chất vấn, bị cáo Trầm Bê khai nhận bị cáo… không biết rõ. Trước đó, bị cáo này cho hay hiện 23 thửa đất vẫn đứng tên các hộ dân.
23 thửa đất về "tay" ai?
Tại tòa hôm nay, bị cáo Dương Thanh Cường cho rằng cơ quan chức năng định giá khu đất trong 23 GCNQSDĐ thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bị cáo tình nguyện khắc phục hậu quả vụ án, tự nguyện thay những bị cáo khác bồi thường thiệt hại. Về nguồn tiền bồi thường, bị cáo này đưa ra giải pháp bị cáo ủy quyền người khác làm việc với đối tác trong dự án trên khu đất thuộc 23 GCNQSDĐ. Số tiền thu về có thể đủ trả cả Ngân hàng Phương Nam lẫn Agribank. Hoặc, bị cáo có thể bán 23 mảnh đất trên.
Tuy nhiên, đại diện VKSND TP HCM khẳng định 23 GCNQSDĐ đang trong tình trạng kê biên đảm bảo thi hành án tại Agribank (trong vụ án bị cáo Cường gây thiệt hại ở Agribank).
Vị đại diện cho hay khu đất trên là đất nông nghiệp, hiện không thể sang tên vì không đủ điền kiện. Đây chính là lý do bị cáo không có khả năng làm dự án thực tế. Vì vậy, việc lấy giá trị khu đất "đổi" thành tiền khắc phục là thiếu thuyết phục.
"Pháp luật ghi nhận bị cáo có thể thay người khác nhận trách nhiệm dân sự. Dù vậy, nếu bị cáo không có tiền mặt đóng khắc phục thay thì pháp luật không ghi nhận thỏa thuận dân sự trên. Nếu có tiền mặt thì bị cáo Cường có thể nộp tiền khắc phục thay những bị cáo khác ngay tại tòa án" - đại diện cơ quan công tố nhấn mạnh.
Như bị cáo Cường, người từng đứng đầu Ngân hàng Phương Nam nhiều lần bày tỏ nguyện vọng đóng tiền khắc phục thay những bị cáo khác. Bị cáo này đề nghị HĐXX cân nhắc cho phép bị cáo thỏa thuận với Sacombank vấn đề bồi thường thiệt hại.
Là bị hại, phía Sacombank đề nghị tòa án giao về Sacombank số tài sản trên để giải quyết hậu quả vụ án. Đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện Agribank đề nghị tòa án kê biên 23 GCNQSDĐ nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Dương Thanh Cường. Bị cáo này còn khiến Agribank thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng trong vụ án khác.
Bình luận (0)