xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi hài tranh chấp, kiện tụng

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Chỉ vì con nghé, con gà hay vài tình huống bất ngờ trong quá trình hòa giải hoặc xét xử, thi hành án mà có những vụ kiện kéo dài nhiều năm chưa thể kết thúc; tình nghĩa ruột thịt, xóm giềng tiêu tan...

Gặp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 12-2013, ông Nguyễn Ngọc Thới - Trưởng Ban Nhân dân khóm 4, phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cho biết chưa bao giờ ông phải nhiều đêm suy tư, mất ngủ… như với việc hòa giải trong vụ tranh chấp giữa 2 gia đình cùng khóm chỉ vì con gà mái.

Không ai nhịn ai

Tháng 10-2013, bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ khóm 4) gửi đơn nhờ UBND phường Tân Thành can thiệp để đòi lại con gà mái cùng 6 chú gà con được cho là bị bà Nguyễn Thị Tứ ở gần nhà bắt nhốt làm của riêng. Nhận đơn của bà Hạnh, thấy chuyện tranh chấp quá nhỏ nên UBND phường giao khóm hòa giải.
img
Bà Nguyễn Thị Tứ khẳng định con gà mái này là của gia đình bà vì đã làm dấu bằng cách cắt lông đuôi

“Tưởng chuyện đơn giản nhưng khi hòa giải mới thấy quá khó. Bên nào cũng có lý lẽ, nhân chứng riêng. Việc xác định con gà mái là của ai đã khó, giải quyết làm sao để tránh hiềm khích giữa 2 nhà hàng xóm còn khó hơn nhiều. Tôi tin chắc giữa 2 chị không ai có ý tham một vài con gà, mà chỉ do một số bất đồng nảy sinh trong cuộc sống và vì danh dự nên không ai chịu nhường nhịn. Vì thế, chúng tôi phải cố gắng tìm cách giải quyết sao cho vui vẻ cả làng” - ông Thới phân tích.

Tại những cuộc hòa giải, bà Tứ quả quyết con gà này được gầy giống từ bầy gà con trước đây của gia đình và đã nuôi được gần 3 năm. Nếu tính luôn lần “đẻ bậy” này, con gà mái đã đẻ được 3 lứa. Do bị mấy con gà mái cùng nhà ăn hiếp nên con gà này bỏ đi hoang, thỉnh thoảng nhớ nhà thì chạy về một lúc rồi tiếp tục đi. Nghĩ gà nhà có đi đâu thì cũng quay về nên bà không đi tìm.

Theo bà Tứ, từ khi có con nhỏ, bận bịu nên bà không có thời gian chăm sóc bầy gà. Khoảng 2 tháng trước khi vụ kiện xảy ra, bà không nghe tiếng gà kêu như mọi khi nên đi tìm nhưng không gặp, tưởng đã bị kẻ xấu làm thịt. Hơn nửa tháng sau đó, bà đang ngồi ru con ngủ thì bất ngờ nghe tiếng gà kêu bên nhà bà Hạnh. Bà rủ mẹ chồng qua tìm và phát hiện con gà mái đang nằm ổ cùng 6 chú gà con phía sau đống cừ tràm của nhà bà Hạnh nên lùa về.

Bà Hạnh “phản pháo”, nói con gà mái này được mẹ chồng cho cách đây khoảng 2 năm, nuôi để cho ăn cơm thừa, cơm đổ. Đến ngày gà bị bà Tứ bắt, nó đã đẻ được 5 lứa. Theo bà Hạnh, nhiều người cũng biết chuyện này. Chẳng hạn hồi giữa tháng 9-2013, mưa lớn, bà có nhờ bà Vân cùng xóm chạy qua phụ dựng mấy tấm tôn để che cho ổ gà vì sợ nước văng làm hư trứng.

Phản đối “diệu kế”

Ông Thới cho biết ban hòa giải khóm ra sức phân giải, khuyên can nhưng nhiều ngày liên tục, 2 gia đình vẫn giữ nguyên quan điểm tranh chấp, không ai chịu nhường nhịn. Phía bà Tứ còn đưa bằng chứng là gà nhà bà có cắt lông đuôi làm dấu, có đi lạc cả tháng cũng mọc không kịp.

“Lời chị Hạnh thật vô lý. Chị nói nuôi gà lâu năm mà sao không có gà trống, cũng không làm chuồng, làm ổ đàng hoàng cho gà đẻ? Hôm tôi và mẹ qua lùa gà, chị Hạnh chứng kiến nhưng làm ngơ, chỉ nói mất con nào đền con đó. Nếukhông phải gà của nhà tôi đi lạc thì tôi có dám qua nhận bừa bãi rồi lùa gà của chị Hạnh về nhà mình không?” - bà Tứ lập luận.

Bà Hạnh trước sau cho rằng gà nhà bà không cắt đuôi mà đuôi gà vừa bị mẹ bà Tứ cắt sau khi lùa về. “Cái dấu cắt còn mới tinh vậy mà nói cắt lâu, làm như tôi là đứa con nít! Cơ ngơi nhà tôi có thiếu thốn thứ gì mà đi tham lam mấy con gà?” - bà Hạnh chẳng chịu thua.

Trong lúc các hướng giải quyết bế tắc, một cán bộ khóm sau nhiều đêm mất ngủ để tập trung suy nghĩ đã đưa ra “diệu kế”: Mỗi nhà lấy 3 con gà con, gà mái mẹ thì làm thịt chia đôi. Tuy nhiên, cả bà Tứ lẫn bà Hạnh đều cực lực phản đối.

Bà Hạnh khăng khăng nếu địa phương giải quyết không xong thì kiện ra tòa, có đóng án phí gấp trăm lần giá trị đàn gà cũng chấp nhận. Bà Tứ thì nhỏ nhẹ rằng gà của mình nên bà cứ bắt về, không thưa kiện ai hết.

Ông Trần Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành, cho biết khi nghe ban hòa giải khóm trình bày khó khăn, ông cũng mất nhiều ngày suy nghĩ, rồi nhờ anh em, bạn bè công tác ở các cơ quan tư pháp tại TP Cà Mau và các bậc cao niên trong xã hiến kế. Đồng thời, ông động viên ban nhân dân cùng đoàn thể khóm cố gắng hòa giải bằng mọi giá vì chuyện thật ra không có gì to tát.

Giận gà, chặt cây

Cuối cùng, ban hòa giải khóm đưa ra giải pháp là bắt cả gà mẹ lẫn gà con mà bà Tứ đang tạm giữ mang ra ranh đất nằm giữa 2 nhà. Ngay khi ban hòa giải khóm ra hiệu lệnh, bà Tứ phải bắt gà thả ra. Nếu gà đi về nhà ai thì thuộc sở hữu nhà đó. Hai bên phải bắt tay làm hòa, bỏ qua mọi hiềm khích.

Phương án ấy được cả bà Hạnh và bà Tứ đồng thuận. Thế là vào một buổi sáng, trước sự chứng kiến của cán bộ phường, khóm, đông đảo dân địa phương và 2 gia đình, con gà mái cùng 6 chú gà con được thả tự do. Cả gà mẹ và gà con thủng thẳng dạo chơi, bới đất tìm mồi, chẳng hay biết gì việc mọi người đang hồi hộp theo dõi từng bước chân của chúng. Hễ gà mẹ hướng chân về phía nhà nào và lên tiếng “cục túc, cục túc” là 6 chú gà con lại lon ton chạy theo khiến mọi người phía đó phải xô nhau dạt ra nhường lối...

Ngặt nỗi, ả gà mái cùng bầy con không chịu đi hẳn mà lúc thì hướng sang nhà bà Tứ, khi lại bật sang hướng nhà bà Hạnh. Mọi người lên tiếng cược nhau, cười đùa huyên náo. Rốt cuộc thì con gà mái và 6 chú gà con cũng đi hẳn về phần đất gia đình bà Tứ trước sự thất vọng của những người thuộc phía nhà bà Hạnh.

Chuyện tưởng thế là đã trắng đen mười phân rõ mười, ai ngờ bà Tứ không bắt gà về nhà mà cứ để cho chúng tự do tung tăng cùng đàn con. Giận vì cho rằng con gà phản chủ, bà Hạnh vác dao ra chặt sạch đám cây trên khu đất giữa ranh 2 nhà làm đàn gà hoảng sợ, bay tứ tung. Hay chuyện, ban hòa giải khóm lại tức tốc đến gặp bà Hạnh khuyên ngăn. Chuyện tranh chấp sau đó chỉ êm thấm khi bà Tứ mang cả con gà mái và 6 chú gà con biếu cho một người hàng xóm khác.

Đã có chút hiềm khích

Một cán bộ UBND phường Tân Thành cho biết hai gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh và bà Nguyễn Thị Tứ đều thuộc diện khá giả ở địa phương, có nhà cửa khang trang và nhiều đất sản xuất. Chồng bà Hạnh làm chủ thầu xây dựng, chồng bà Tứ công tác ở ngành thuế.

Trước khi xảy ra chuyện tranh chấp gà, 2 gia đình đã có chút hiềm khích liên quan đến công việc. Có lẽ vì thế mà chuyện nhỏ như con gà cũng khiến không chỉ 2 gia đình mà cả lãnh đạo địa phương và khóm cũng phải một phen vất vả.

Kỳ tới: Tài sản tranh chấp bị “xẻ thịt”
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo