Ngày 1-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Bài - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trên địa bàn xã Cư Đrăm.
Ngang nhiên giữa ban ngày
Trước đó, sáng 29-4, sau hơn 2 giờ đi bộ, chúng tôi đã tới khu vực rừng thuộc địa phận xã Cư Đrăm. Tại đây, phóng viên chứng kiến cảnh những khu rừng nguyên sinh bị lâm tặc băm nát, cây gỗ giổi nằm la liệt, nhiều mét khối được xẻ thành từng tấm, lập bãi tập kết chờ vận chuyển.
Tại khu vực phá rừng thứ nhất, hàng giổi cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ, cành lá vẫn xanh, gốc chảy nhựa, vết mùn cưa còn mới. Những cây giổi có đường kính hơn 1 m đã bị cắt sát gốc, xẻ thành từng tấm để làm bộ phản. Tại khu vực này, có hàng chục tấm gỗ dài khoảng 3 m, chiều ngang hơn 1 m, dày từ 25-30 cm tập kết thành đống chờ vận chuyển.
Cách đó khoảng 150 m, chúng tôi tiếp tục gặp cảnh tượng tan hoang của những khu rừng ngàn tuổi. Trên nền đất, những tấm gỗ được cắt gọn chồng chéo lên nhau, nằm la liệt trải dài, đếm không xuể. Đứng tại đây, chúng tôi còn nghe tiếng cưa máy của lâm tặc gầm rú. Sau một lát, tiếng cổ thụ bị đốn hạ ngã xuống ầm ầm vang vọng cả khu rừng.
Đi sâu vào trong, chúng tôi chạm mặt một nhóm lâm tặc khoảng 5 người đang mải mê đốn hạ một cổ thụ ở sườn đồi. Phía trên con đường mòn, tốp người đang hì hục chằng buộc dây vào 1 khúc gỗ, dùng trâu vận chuyển ra ngoài.
Không biết đơn vị nào quản lý?
Rời “công trường” khai thác gỗ lậu, chúng tôi không khỏi băn khoăn vì sao lâm tặc lại ngang nhiên mang cưa máy vào đốn hạ cây giữa ban ngày. Trong khi đó, những bãi tập kết gỗ này nằm sát con đường mòn tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng. Tiếng cưa gầm thét, dồn dập liên tục trong thời gian dài nhưng vì sao lực lượng bảo vệ rừng lại không hề hay biết. Trả lời thắc mắc này, người dẫn đường chỉ cười và lắc đầu. Cũng theo người này, những tấm phản chưa vận chuyển đi có thể do nguồn hàng bị dồn ứ nên lâm tặc chưa đưa ra khỏi rừng.
Khi về tới trung tâm huyện Krông Bông, chúng tôi đã phản ánh vụ việc với lực lượng chức năng thì tất cả đều thừa nhận không biết chuyện rừng bị phá và không xác định được khu vực mà phóng viên ghi hình do đơn vị nào quản lý.
Để xác định khu vực rừng bị phá do đơn vị nào quản lý, sáng 1-5, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục liên hệ với những chủ rừng trong địa bàn. Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, căn cứ những hình ảnh, clip mà phóng viên cung cấp thì khó xác định khu vực rừng bị phá thuộc quyền quản lý của đơn vị nào. “Chúng tôi sẽ khẩn trương cho lực lượng kiểm tra và trả lời phóng viên” - ông Nghĩa khẳng định.
Còn ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông), cho biết sau khi nhận được phản ánh của phóng viên, trong ngày 29-4, công ty đã cử lực lượng vào kiểm tra những khu vực xung quanh nhưng không phát hiện rừng bị phá.
Trong khi đó, theo ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, ngày 30-4, lực lượng kiểm lâm huyện đã tổ chức xác minh khu vực rừng bị phá mà phóng viên phản ánh. Tuy nhiên, do mưa quá lớn nên lực lượng kiểm lâm chưa vào được rừng, hiện tập kết gần khu vực đó để vào kiểm tra.
Công an vào cuộc
Ngày 1-5, đại tá Nguyễn Trọng Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết cơ quan công an đã nắm được thông tin về vụ phá rừng ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông. Hiện lực lượng công an đang phối hợp với cơ quan chức năng huyện Krông Bông để xác minh.
Bình luận (0)