Ngày 10-12, trao đổi với phóng viên về vụ việc nữ sinh viên P.L.K.N tố cáo bạn học cũ N.H.A (đều 20 tuổi; cùng thường trú tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) về hành vi cho vay nặng lãi, luật sư Lê Thị Nguyệt Hằng - Đoàn Luật sư TP HCM nhận định A. có dấu hiệu phạm tội này.
Bảng thống kê vay nợ và lãi suất của sinh viên N. trong tháng 7 và 8
Cụ thể, theo các quy định của pháp luật, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn 2 dấu hiệu sau:
Thứ nhất, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nếu lãi suất cho vay cao gấp 5 lần lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 20%: 12 tháng = 1,666%/tháng, lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666%/tháng = 8,33%/tháng.
Thứ hai, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, trường hợp của nữ sinh viên P.L.K.N do bên cho vay tính đến 60%/tháng, vượt gấp hơn 7 lần so với quy định. Ngoài ra, N. thực nhận tiền vay khoảng 110 triệu đồng nhưng đã chuyển trả khoảng 250 triệu đồng, bên cho vay đã thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng. Do đó, người cho N. vay tiền đã đủ yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi.
N.H.A (bên trái) trong một lần đến nhà mẹ nữ sinh P.L.K.N gây áp lực đòi tiền cho vay với lãi suất "siêu cắt cổ"
Liên quan đến vụ việc trên, bà L.T.P.T (42 tuổi; ngụ cùng địa phương), mẹ của nữ sinh P.L.K.N cho biết lần đầu tiên vay tiền của N.H.A để đóng tiền nhà vào giữa tháng 3 năm nay, N. đã giấu gia đình. Sau đó, vì để có tiền đóng lãi 240.000 đồng mỗi ngày (720%/năm) với khoản vay 12 triệu đồng (thực nhận 9,6 triệu đồng), N. đã vay mượn bạn bè, người thân. Sau khi hết vay mượn được ai nữa, N. bán laptop, xe máy và vay qua app cho vay nặng lãi cả trăm triệu đồng để trả tiền lãi cho A.
"Đến khi tôi biết được việc này thì mọi chuyện đã bung bét, gia đình không còn khả năng chi trả nữa. Vì thường xuyên bị A. hăm dọa, khủng bố nên con gái tôi đã bỏ học mấy tháng nay, sút mấy ký vì suy sụp, mất ăn, mất ngủ. Mong các cơ quan chức năng sớm xử lý vụ việc này để con gái tôi được đến trường đi học với bạn bè", bà T. nói trong nước mắt.
Như đã thông tin, giữa P.L.K.N và N.H.A là bạn học cũ thời cấp 2 ở TP Quy Nhơn. Cách đây 2 năm, cả hai cùng từ TP Quy Nhơn vào TP HCM để học ĐH.
Trong quá trình học ĐH tại TP HCM, N. đi làm thêm ngoài giờ ở nhà hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến giữa tháng 3 năm nay, do việc làm thêm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, N. không có tiền sinh hoạt, trả tiền thuê nhà… nên đã vay của bạn N.H.A 12 triệu đồng.
Nhà mẹ nữ sinh N. ở TP Quy Nhơn thường xuyên bị tạt sơn, mắm thối... trong thời gian A. đến nhà hăm dọa để đòi nợ.
Với 12 triệu đồng tiền vay (thực nhận 9,6 triệu đồng), mỗi ngày N. phải trả lãi 240.000 đồng, tương ứng 720%/năm. Ngoài ra, nếu trả chậm sau 19 giờ, tiền lãi sẽ bị phạt lên gấp đôi, tức 480.000 đồng/ngày. Còn nếu trả sau 24 giờ thì tiền lãi phải nhân 4, tức 960.000 đồng/ngày…
Chỉ sau một thời gian ngắn xoay xở đủ kiểu để đóng lãi suất "siêu cắt cổ" cho khoản vay 12 triệu đồng, N. lâm vào cảnh bế tắc. Sau đó, N. bị A. ép viết tổng cộng 8 tờ giấy vay với số tiền 147 triệu đồng (thực nhận 110 triệu đồng).
Sau khi trả khoảng 250 triệu đồng, N. không còn khả năng trả nữa nên thường xuyên bị A. cùng một nhóm người đến nhà ở TP Quy Nhơn đe dọa, "khủng bố" để đòi tiền. Ngoài ra, do thường xuyên bị đe dọa nên N. phải nghỉ học, không dám đến trường ở TP HCM.
Bức xúc trước vụ việc trên, N. đã gửi đơn đến Công an TP Quy Nhơn tố cáo N.H.A về hành vi cho vay nặng lãi. Ngoài ra, mẹ của N. cũng đã gửi đơn đến Công an TP Quy Nhơn tố cáo N.H.A và một số đối tượng liên quan về hành vi gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác…
Hiện vụ việc đang được Công an TP Quy Nhơn tiến hành xác minh làm rõ để xử lý theo quy định.
Bình luận (0)