Tại hội thảo quốc tế "Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên (NCTN)" do Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến hướng đến mục tiêu bảo vệ tối đa NCTN (phạm tội, bị hại, nhân chứng) trong chính sách pháp luật hình sự.
Giáo dục cộng đồng thay thế hình phạt
Nêu quan điểm về biện pháp xử lý NCTN phạm tội, TS Phan Anh Tuấn (Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP HCM) cho rằng pháp luật hình sự cần nghiên cứu hạ mức hình phạt xuống dưới 18 năm tù, có thể dừng ở tối đa 16 năm tù. Bên cạnh đó, luật pháp nên mở rộng nhiều biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự (TNHS) cũng như hình phạt. Bởi mục đích xử lý NCTN phạm tội chủ yếu mang tính giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập xã hội. Song song miễn, giảm TNHS chung, cũng đã có nhiều biện pháp khoan hồng riêng như: NCTN phạm tội chỉ cần thi hành 1/4 thời hạn tù thì có thể xem xét giảm thời gian chấp hành hình phạt, điều đó thể hiện chủ trương nhân đạo. Tuy vậy, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhiều điều kiện khoan hồng khác gồm: án treo, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt…
TS Phan Anh Tuấn ghi nhận chính sách hình sự nước ta liệt kê nhiều biện pháp giáo dục NCTN có hành vi sai phạm; từ khiển trách, giáo dục tại xã - phường - thị trấn (áp dụng ở điều tra, truy tố, xét xử) đến trường giáo dưỡng (chỉ ở giai đoạn xét xử). Nghĩa là đối với mỗi trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có quyền sử dụng một trong những biện pháp trên.
"Nếu muốn đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất, pháp luật phải quy định cho cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một hoặc nhiều biện pháp, tùy từng tình huống thực tế. Tương tự, pháp luật có thể cho phép cơ quan có thẩm quyền thay thế biện pháp giáo dục ban đầu bằng biện pháp giáo dục khác hoặc hình phạt" - TS Phan Anh Tuấn đề nghị.
Quan trọng không kém, việc rút ngắn thời hiệu truy cứu TNHS cũng bộc lộ chủ trương khoan hồng. Bộ Luật Hình sự Liên bang Nga nêu rõ thời hiệu truy cứu TNHS, thời hiệu thi hành bản án đối với NCTN bằng một nửa người đã thành niên phạm tội. TS Phan Anh Tuấn cho hay pháp luật hình sự nước ta hiện chưa nhắc đến nội dung này.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ánh Hồng (Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP HCM) nhận thấy cần thêm thẩm quyền áp dụng nhiều biện pháp xử lý khác nhau nhằm tránh sử dụng hình phạt giam giữ khi xử lý NCTN phạm tội. Giáo dục cộng đồng là một trong những biện pháp thay thế giam giữ được khuyến khích nhiều nhất. Dù vậy, nước ta chưa quan tâm nghiên cứu những hình phạt ở cộng đồng.
Về vấn đề này, ông Sébastien Lafrance - Công tố viên của Cơ quan Công tố Canada, giáo sư luật tại Đại học Ottawa - nêu thực tiễn tại Canada, tòa án có sự lựa chọn để áp dụng cho người trẻ trong số nhiều biện pháp: khiển trách, tha miễn tuyệt đối, một khoản phạt tiền, thực hiện một dịch vụ cộng đồng hoặc một lệnh giam giữ…
Vụ án dâm ô có nạn nhân dưới 16 tuổi được TAND quận Bình Thạnh, TP HCM xét xử sơ thẩm
Không thể "lãng quên" nhân chứng là nạn nhân trẻ em
Cùng với người phạm tội, bị hại và người làm chứng chưa thành niên là đối tượng nhận sự quan tâm đặc biệt từ nhiều nhà nghiên cứu pháp luật.
Những nguyên tắc chung bảo vệ NCTN có thể dẫn đến tình huống xung đột quyền lợi giữa người phạm tội với nạn nhân. Điều 417 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 hướng dẫn cách xác định tuổi người bị buộc tội và người bị hại là giống nhau. TS Nguyễn Ánh Hồng nhận định quy định đó có khả năng gây ra xung đột quyền lợi. Đây là vấn đề không dễ dàng giải quyết. Vì thế, điều 417 (xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi) cần tách riêng cách tính tuổi người phạm tội, người bị hại.
TS Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ: "So với chính sách pháp luật hình sự dành cho người phạm tội, chính sách bảo vệ nạn nhân là NCTN chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức. Nói cách khác, bị hại thường bị "lãng quên" trong pháp luật hình sự. Bộ Luật Hình sự hiện hành chưa nhắc đến nguyên tắc xử lý đối với tội phạm xâm phạm quyền, lợi ích NCTN".
Theo nhà tội phạm học Yvon Dandurand (thành viên và cộng sự cấp cao tại Trung tâm Quốc tế về cải cách pháp luật hình sự và chính sách tư pháp hình sự thuộc Liên Hiệp Quốc), nạn nhân và nhân chứng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt, mức trợ giúp thích hợp với độ tuổi, hoàn cảnh. Hệ thống tư pháp Việt Nam còn nhiều hạn chế ở cách đối xử với bị hại, nhân chứng chưa thành niên. Không ít thủ tục hay thực tiễn điều tra (lấy lời khai, kiểm tra dấu vết trên thân thể…) chưa thực sự phù hợp với sự nhạy cảm của trẻ em. Dù thành lập hệ thống tòa chuyên trách (Tòa Gia đình và NCTN - PV) giải quyết những vụ án có người bị buộc tội, bị hại chưa thành niên nhưng những vụ án có nhân chứng trẻ em vẫn được xét xử bởi tòa án thông thường. Ngoài ra, cơ quan điều tra, cơ quan công tố chưa có đơn vị chuyên trách xử lý những vụ án có NCTN phạm tội, là nạn nhân hoặc nhân chứng.
Cấp bách và cần thiết
Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải (quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM), tư pháp hình sự đối với NCTN là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp hình sự đối với NCTN của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tiệm cận các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế; những cách thức tiếp cận đã được chứng minh là rất phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các vụ án hình sự liên quan đến NCTN như xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi chưa được nhận thức đúng đắn, đầy đủ tại Việt Nam... Vì vậy, việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự đối với NCTN ở nước ta là một nhu cầu cấp bách và cần thiết.
Bình luận (0)