Ngày 14-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) TP HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung. Nhiều vấn đề được đặt ra như: trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án; xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự…
Chưa phù hợp, không công bằng
Theo ban soạn thảo, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể như: giết người, hiếp dâm, cướp tài sản…
Đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, cho rằng quy định của BLHS 2015 về cơ bản đã thể hiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Có thể do quá nhấn mạnh đến tính nhân đạo hoặc chưa có sự tách bạch về độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội mà các quy định thể hiện việc xử lý quá nhẹ đối với hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Điều này có thể gây lo lắng về sự an toàn của xã hội cũng như hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật. “QH cần hết sức cân nhắc khi sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 12 liên quan đến phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi” - ông Đức đề nghị.
Theo thượng tá Nguyễn Hữu Bằng, Phó trưởng Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Công an TP HCM, ý kiến người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS trong một số tội phạm nhất định theo quy định của BLHS 2015 là chưa phù hợp và không công bằng. Bởi lẽ, khi họ phạm tội khác theo quy định của BLHS là cùng xâm phạm một nhóm khách thể, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi và mức hình phạt quy định trong luật là tương đương nhau nhưng có người bị truy cứu TNHS, có người lại không. Ví dụ: Họ phải chịu TNHS về tội cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản nhưng lại không chịu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… dẫn đến không xử lý được hành vi đồng phạm, che giấu tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
“Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tất cả các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng” - thượng tá Bằng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Phan Anh Tuấn, Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng việc liệt kê các tội phạm sẽ dẫn đến không đầy đủ, không dự tính được các khả năng trên thực tế xảy ra. Quy định như BLHS 1999 sẽ bảo đảm tính phân hóa TNHS, thống nhất kỹ thuật lập pháp, phù hợp đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
Chỉ giám định ma túy là xét xử được
Trong thực tiễn, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đang có cách hiểu khác nhau, không thống nhất được vấn đề xác định hay không xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy quy định trong BLHS làm cơ sở cho việc xử lý hình sự. Do vậy, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn và góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân thì cần bổ sung quy định xác định hàm lượng ma túy vào các điều 248, 249, 250, 251, 252.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Ngọc Thủy, VKSND TP HCM, vấn đề giám định hàm lượng về ma túy không phải bổ sung vì chỉ cần giám định có kết luận: vật chứng gửi đi giám định là chất ma túy, tên Methamphetamine, trọng lượng, khối lượng 100 g là đúng quy định BLHS, tòa án có thể đưa ra xét xử…
Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định BLHS 2015, TS Phan Anh Tuấn kiến nghị nên bỏ cụm từ “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” ở khoản 1 của điều luật. Bổ sung dấu hiệu “hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” như quy định của điều 140 BLHS 1999. Bỏ dấu hiệu “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” vì mâu thuẫn với hành vi vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế trong trường hợp vi phạm về thời hạn thanh toán theo Bộ Luật Dân sự năm 2015 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (điều 357) và điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán.
Hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” không làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản mất khả năng thực tế thực hiện quyền định đoạt đối với một tài sản cụ thể. Bởi lẽ, họ hoàn toàn có thể bằng các biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật dân sự, thương mại… để lấy lại tài sản. Do đó, đây không phải là hành vi chiếm đoạt.
Bình luận (0)