xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm quyền cho luật sư

Trực Ngôn thực hiện

Tiến sĩ - luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng việc có một chương riêng về chế định bào chữa trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) là bước tiến dài nhằm thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp

Phóng viên: Thưa luật sư (LS), Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2003 chỉ có 3 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa (NBC). Nay, với dự thảo BLTTHS (sửa đổi), chế định bào chữa đã có hẳn một chương riêng (chương VII). Là thành viên tổ biên tập dự thảo, ông có thể giải thích rõ hơn quan niệm “chủ thể tư pháp độc lập” của NBC trong tiến trình tố tụng?

- LS Phan Trung Hoài: Đề xuất của Liên đoàn LS Việt Nam xây dựng một chương riêng về chế định bào chữa đã được ban soạn thảo ghi nhận và kết cấu thành một chương hoàn toàn mới trong dự thảo. Đây là một bước tiến dài nhằm thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và tinh thần của Hiến pháp mới năm 2013.

Về mặt lập quy, việc xây dựng một chương riêng đối với chế định bào chữa đã bước đầu thể hiện sự bình đẳng của LS trong thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự. BLTTHS (sửa đổi) cần tạo lập vị thế cho LS với tư cách là “chủ thể tư pháp độc lập”, chứ không giới hạn trong phạm vi “người tham gia tố tụng”, chính là nhằm hướng đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quan niệm việc bảo đảm quyền bào chữa là thành trì cần thiết để thực hiện các quyền và tự do dân chủ khác.

Luật sư Phan Trung Hoài đang bào chữa trong một phiên tòa hình sự Ảnh: TƯ LIỆU
Luật sư Phan Trung Hoài đang bào chữa trong một phiên tòa hình sự Ảnh: TƯ LIỆU

Ông có thể cho biết những điểm mới liên quan đến chế định bào chữa trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi)?

- Các điểm mới cơ bản liên quan đến chế định bào chữa trong dự thảo thể hiện trước hết ở việc ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản liên quan đến việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Dự thảo đã tiếp cận sớm hơn thời điểm người bị tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền có LS tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình cho đến khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam.

Trong một chừng mực nhất định, dự thảo đã thể chế hóa quyền im lặng khi quy định người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc nhận mình có tội. Về thủ tục, dự thảo đã chuyển đổi từ chế độ cấp giấy chứng nhận sang cấp giấy đăng ký bào chữa; rút ngắn thời hạn cấp giấy đăng ký bào chữa…

Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền của NBC như quyền gặp, hỏi một cách độc lập đối với người bị buộc tội đang bị tạm giam; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, khi cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản, khám người, khám chỗ ở, chỗ làm việc và một số hoạt động điều tra khác; quyền thu thập, đưa ra và đánh giá chứng cứ...

Theo ông, còn những vướng mắc, tồn tại gì trong thực tiễn hành nghề của đội ngũ LS chưa được giải quyết?

- Theo tinh thần Hiến pháp 2013, dự thảo cần thể chế hóa quyền của LS được tiếp cận, gặp mặt mang tính chất riêng tư với người bị tình nghi phạm tội, có cơ chế giám sát gián tiếp thông qua hệ thống màn hình camera nhưng không đặt chế độ ghi âm hoặc truyền âm.

Dự thảo cũng cần bổ sung quy định về biện pháp hỗ trợ từ phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi có sự ngăn cản thực hiện quyền thu thập chứng cứ của NBC; quy định rõ hơn về sự tham gia của NBC trong thủ tục tố tụng rút gọn, trong việc xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án hình sự. Ngoài ra, cần quy định theo hướng chỗ ngồi của kiểm sát viên và NBC ngang bằng nhau trên tinh thần bảo đảm tranh tụng dân chủ tại phiên tòa...

Ông vừa đề cập quyền gặp riêng tư với người bị tình nghi phạm tội, không ghi âm cuộc trao đổi giữa khách hàng với LS. Điều này liệu có phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta hiện nay?

- Có một số ý kiến cho rằng việc cụ thể hóa quyền im lặng hay quyền gặp riêng tư của LS sẽ “vẽ đường cho hươu chạy, a dua với tội phạm”… Theo tôi, về mặt nhận thức, quan niệm như vậy không chỉ trái với tinh thần của Hiến pháp 2013 mà còn xa lạ với chính bản chất mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam - đặt trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.

Quyền được tiếp cận với sự hỗ trợ về pháp lý của LS, cũng như quyền gặp mặt riêng tư, trong tầm giám sát nhưng không bị nghe lén đã được ghi nhận trong các Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết và tham gia cũng như phù hợp với văn minh pháp lý của nhân loại đã được hầu hết các nước trên thế giới ghi nhận. Nó hoàn toàn không mâu thuẫn với nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm bởi chức năng xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp của LS là phải góp phần bảo vệ công lý, tìm ra bản chất sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội và các đương sự.

Ủng hộ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Chiều 27-5, Quốc hội đã thảo luận về dự án BLTTHS (sửa đổi), tập trung vào 12 nội dung, trong đó có việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra; thực hiện quyền của bị can, bị cáo; căn cứ tạm giam và thời hạn tạm giam; bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can...

Hầu hết các đại biểu (ĐB) cho rằng nên đưa quyền im lặng vào trong luật vì phù hợp với quyền con người. Theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), trong các điều 40, 41, 42, 43 về quyền của người bị bắt và bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là rất khó hiểu. “Đây chính là quyền giữ im lặng cho tới khi gặp được LS. Nói quyền giữ im lặng còn dễ hiểu hơn là “đưa ra lời khai chống lại chính mình”. Đề nghị ban soạn thảo nên quy định thế nào cho dễ hiểu” - ĐB Anh Sơn nhấn mạnh.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) đề nghị cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo quyền được im lặng của họ. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có quyền được từ chối trình bày ý kiến hoặc đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình.

Về việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, ĐB Nguyễn Anh Sơn cho rằng đây là một nội dung mới, có tính nhân văn cao và rất cần vì thực tế, không ít trường hợp hỏi cung bị can đã có những sai sót, làm quá trình xét xử vụ án thêm phức tạp. Tuy nhiên, nên quy định rõ trường hợp nào ghi âm, trường hợp nào ghi hình.

N.Quyết - P.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo