Giữa năm 2017, TAND TP HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với bị cáo Coetzee Tyron Lee (SN 1984; quốc tịch Nam Phi) bị truy tố tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Sau khi tòa xét hỏi, bị cáo bất ngờ khóc than và cho rằng mình bệnh tâm thần phân liệt nên yêu cầu tòa phải cho đi giám định…
Đau đầu với ngôn ngữ lạ!
Theo TAND TP HCM, đó là một trong những vụ án mà các cơ quan tố tụng vô cùng vất vả, tốn kém thời gian và kinh phí để mời người phiên dịch. Gần đây, tòa cũng xét xử một vụ án cướp giật do đối tượng có quốc tịch Iran phạm tội tại TP HCM. Do không tìm được người phiên dịch nên các cơ quan tố tụng phải trưng cầu phiên dịch từ Đại sứ quán Iran ở Hà Nội vào làm phiên dịch các buổi làm việc với bị can và dịch thuật kết luận điều tra, cáo trạng cũng như dịch thuật tại phiên tòa.
Phiên tòa xét xử bị cáo người Bulgaria có phiên dịch
Ngoài chi phí tốn kém về ăn ở, phương tiện đi lại theo yêu cầu từ phía người phiên dịch, vụ án còn bị kéo dài thời gian giải quyết do phụ thuộc vào lịch làm việc của người phiên dịch. Mặc dù bị can phạm vào tội ít nghiêm trọng nhưng phải gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, trả hồ sơ điều tra bổ sung… mới không vi phạm thời hạn luật định.
Khó khăn về ngôn ngữ bắt đầu ngay từ khi hành vi phạm tội bị phát hiện hoặc bắt, giữ người thực hiện hành vi phạm tội vì không phải đối tượng nào bị bắt cũng giao tiếp được bằng ngôn ngữ phổ biến.
Với những trường hợp bị bắt quả tang, đối tượng thường được giải ngay đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản trước khi giải đến cơ quan điều tra có thẩm quyền nên vấn đề mời người phiên dịch là nan giải vì công an cấp phường, xã không phải là cơ quan tiến hành tố tụng để có thể trưng cầu người giám định hợp pháp.
Thông thường, cơ quan cấp phường, xã thường mời người phiên dịch từ các cơ sở lưu trú, trung tâm dịch thuật tại địa phương hỗ trợ nhưng với ngôn ngữ hiếm gặp hoặc đối tượng không hợp tác, cố ý sử dụng phương ngữ thì vô cùng khó khăn.
Ngoài ra còn có sự "xung đột" pháp luật giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với pháp luật Việt Nam, mức độ hiểu biết của người thực hiện hành vi phạm tội, nguyên tắc bảo đảm bí mật điều tra. Chính vì vậy, nguồn phiên dịch chuẩn nhất hiện nay chính là các giảng viên luật thông thạo ngoại ngữ hoặc đã được đào tạo, tu nghiệp ở nước ngoài cùng ngôn ngữ với người phạm tội hoặc với ngôn ngữ mà họ đọc thông viết thạo.
Nếu phiên dịch gian dối...
Theo VKSND TP HCM, những khó khăn, vướng mắc về người phiên dịch là do quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam về vấn đề trưng cầu người phiên dịch chưa được hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng.
Thực tế, chưa có tổ chức hành nghề phiên dịch tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng. Việc mời người phiên dịch cho bị can, bị cáo từ Sở Ngoại vụ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc các trung tâm dịch thuật như hiện nay thực sự chưa bảo đảm về chất lượng phiên dịch. Bởi có những thuật ngữ pháp lý mà chỉ người có trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật hình sự mới hiểu và dịch đúng, đủ.
Mặc dù luật pháp quy định về chế tài nếu người phiên dịch gian dối, dịch không trung thực, tiết lộ bí mật điều tra nhưng việc phát hiện, chứng minh và xử lý người phiên dịch thì không đơn giản. Do chỉ có người phiên dịch với người phạm tội mới hiểu được những gì họ nói với nhau.
Hàng chục năm tham gia xét xử và làm công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) nhận định những phiên tòa có bị cáo sử dụng tiếng "hiếm" thường gặp rất nhiều khó khăn.
"Theo quy định, tòa phải mời phiên dịch ở một số cơ quan được ngành tư pháp thừa nhận chứ không phải muốn mời ở đâu cũng được. Việc này bảo đảm cho việc dịch chính xác, không bị sai, phải có đơn vị chịu trách nhiệm về tính pháp lý. Dù có khó khăn cỡ nào cũng phải tìm, nếu bí quá thì nhờ các cơ quan tố tụng khác hỗ trợ" - bà Thủy nói.
Bà Thủy phân tích dù bị cáo sử dụng ngôn ngữ chính là phương ngữ hiếm người biết và rành tiếng Việt thì cũng phải có phiên dịch, nếu không sẽ vi phạm tố tụng và bị hủy án. Nếu người tham gia xét xử biết tiếng của bị cáo thì cũng không được sử dụng mà phải dùng tiếng Việt khi xét xử. Những phiên tòa có nhiều người tham gia như phiên dịch, giám định viên… thì càng dễ bị hoãn xử do họ… bận. Phiên tòa có phiên dịch cũng thường chậm hơn so với phiên tòa bình thường.
Bà Châu Bích Phương, Giám đốc Công ty Dịch thuật Phương Tây (TP HCM), cho biết hiện công ty nhận phiên dịch tại tòa khoảng 20 thứ tiếng, trong đó có một số tiếng ít người dùng như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Iran, Tây Ban Nha…Bà Phương kể các phiên dịch gặp không ít khó khó khăn khi bị cáo sử dụng những từ chuyên môn ở nước họ nhưng không phải chuyên môn ở Việt Nam.
"Đôi khi bị cáo cũng không hợp tác với phiên dịch khi quanh co trả lời sai lệch câu hỏi. Những thứ tiếng khó, cả năm phiên dịch mới đi phiên dịch một vài vụ nên giá phiên dịch rất cao nhưng có khi không được các cơ quan tố tụng duyệt chi phí. Không chỉ vậy, khi phiên dịch đã sắp xếp được ngày thì tòa hoãn nên họ bị lỡ việc. Nhiều người không vui khi được phân công đi dịch ở tòa án" - bà Phương chia sẻ.
Biết tiếng Anh nhưng thích nói phương ngữ!
Lãnh đạo Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an TP HCM cho biết một số trường hợp người phạm tội biết tiếng Anh hoặc tiếng Việt nhưng khi cán bộ công an làm việc thì họ chỉ nói tiếng dân tộc hoặc quốc ngữ. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho công tác giam giữ, giáo dục đối với những đối tượng này. Do đó, việc giải thích các quy định cũng thường khó khăn dẫn đến việc họ vi phạm nội quy, quy định về tạm giam xảy ra thường xuyên hơn.
Bình luận (0)