>>> Xem tất cả
Liên quan đến việc phóng viên Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động bị hành hung khi đang tác nghiệp tại khu Kéo Kham, huyện Cao Lộc - Lạng Sơn, luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khẳng định: “Hành vi hành hung nhà báo đang làm nhiệm vụ, dù thương tích dưới 11% vẫn bị khởi tố hình sự”.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác trong điều kiện bình thường phải có điều kiện gây thương tích từ 11% trở lên mới cấu thành tội phạm hình sự.
Tuy nhiên, luật cũng quy định hành vi gây thương tích trong những trường hợp sau đây, dù tỉ lệ thương tật dưới 11% thì vẫn hội đủ yếu tố về mặt khách quan của cấu thành tội phạm và phải bị xử lý hình sự theo điều 104 Bộ Luật Hình sự: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; gây thương tích đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; gây thương tích đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; gây thương tích có tổ chức; gây thương tích trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Luật sư Trương Xuân Tám nhìn nhận: “Như vậy, hành vi hành hung nhà báo là có dấu hiệu chống lại người đang thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình, bởi nhà báo không có thù oán cá nhân gì mà chỉ vì nhiệm vụ và chức năng cao cả đưa tin, trong đó có tin phản ánh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật, mà bị kẻ xấu tấn công, hành hung là điều xã hội vô cùng căm phẫn, pháp luật cần thẳng tay trừng trị.
Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe là quyền cơ bản của con người. Trong đó, nhà báo là những người dũng cảm chống tiêu cực càng cần được bảo vệ hơn bao giờ hết”.
. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an huyện Cao Lộc điều tra lại, làm rõ bản chất vụ việc vụ hành hung phóng viên Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động; làm rõ hành vi và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo vệ quyền hành nghề và các quyền khác của nhà báo.
Phóng viên Trần Thế Dũng cũng vừa gửi đơn đến Công an – VKSND huyện Cao Lộc khiếu nại kết quả điều tra của Công an huyện Cao Lộc. Trong đơn, phóng viên Thế Dũng cho rằng những người đánh anh là có tổ chức, muốn che giấu việc buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc kết luận không khởi tố vụ án là không đúng thực tế; bao che, dung túng tội phạm...
Bình luận (0)