Ngày 17-5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục ngày làm việc thứ 3 phiên xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tập trung làm rõ việc liên kết giữa BVĐK Hòa Bình với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) trong việc chạy thận.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010, thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.
Phiên tòa chiều ngày 17-5
Ông Vận cho biết được ông Trương Quý Dương, thời điểm đó là giám đốc bệnh viện, thông báo về việc liên kết nhưng không được thông báo rõ về nội dung. "Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng"- ông Đỗ Đình Vận nói.
Luật sư Biên tiếp tục công bố hồ sơ tài liệu thể hiện việc BVĐK tỉnh Hòa Bình được chia lợi nhuận trong việc chạy thận. Cụ thể, tỉ lệ chia lợi nhuận giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn là 90%-10%. Tức là Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật".
Trước thông tin này, ông Đỗ Đình Vận cho biết không nắm được tỉ lệ phần trăm chia như thế nào, chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa do ông Trương Quý Dương thông báo.
Trong phiên xét xử cùng ngày, bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình, khai được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật thiết bị hình ảnh y tế, không có liên quan đến các thiết bị về máy chạy thận.
Bị cáo Sơn cũng thừa nhận chưa tham gia bất cứ khóa học hay khóa đào tạo nào về máy chạy thận, mặc dù năm 2015 bị cáo đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện cho đi học.
Theo lời khai của bị cáo Sơn tại tòa, thông thường BVĐK tỉnh Hòa Bình thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng vào các ngày chủ nhật. Những lần sửa chữa xong đều đưa hệ thống máy móc thiết bị vào sử dụng luôn.
"Bị cáo chưa nhận được quy trình hay quy định nào về chất lượng nước xét nghiệm, cũng không biết tiêu chuẩn AAMI và tin vào nhà sản xuất, nhà cung cấp đưa vào đó. Bị cáo không được giải thích về đưa AAMI vào làm gì"- bị cáo Sơn khai.
Bình luận (0)