Ngày 16-5, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận, làm 8 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Tại tòa, bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, Thiết bị y tế - BVĐK Hòa Bình, khai nhận việc ngụy tạo biên bản bàn giao để hợp thức hóa hồ sơ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
"Không biết sửa chữa gì" (!?)
HĐXX truy vấn Sơn về 2 biên bản bàn giao thiết bị được lập vào hồi 10 giờ và 18 giờ 35 phút ngày 28-5-2017. Trả lời tòa, Sơn khẳng định các biên bản này có chữ ký của Sơn và chữ ký của Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh- đại diện cho đơn vị sửa chữa. Cả hai đều do chính Sơn lập ra, tuy nhiên, thời điểm lập là sau khi xảy ra vụ tai biến y khoa. Mục đích là để hợp thức hóa, vì theo quy định trước và sau khi sửa chữa đều phải có biên bản bàn giao giữa hai bên. Sơn khẳng định việc lập biên bản này không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ai. Trái ngược với lời khai của Sơn, bị cáo Quốc phủ nhận việc ký vào biên bản bàn giao và không biết biên bản đó do ai lập.
Ba bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc (từ trái qua phải) tại tòa
Bị cáo Sơn cũng thừa nhận đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy móc tại khoa. Do vậy, Sơn không nắm được thực tế Bùi Mạnh Quốc đã sửa chữa, thay thế thiết bị gì. "Từ trước đến nay, khi nhận bàn giao thiết bị đều dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện hiển thị trên thiết bị. Khi chỉ số báo an toàn thì nhận bàn giao" - Sơn khai.
Bác sĩ Lương không tin tưởng VKS
Trong phần thẩm vấn, đại diện VKS đề nghị bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương trả lời một số câu hỏi. Tuy nhiên, BS Lương đã từ chối trả lời và xin giữ quyền im lặng. Theo BS Hoàng Công Lương, khi VKS xét hỏi 2 bị cáo kia vào buổi sáng cũng có hướng quy kết tội cho mình nên không tin tưởng VKS. "Bị cáo không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội. Bị cáo ủy quyền cho luật sư" - BS Lương nói.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của chủ tọa, BS Lương tiếp tục giữ nguyên quan điểm không biết việc xét nghiệm nguồn nước nên không kiểm tra. "Việc sửa chữa vật tư, thiết bị là của bộ phận khác. Bị cáo không nghiên cứu nên không nắm rõ" - BS Lương khai. Trong khi đó, trả lời HĐXX, ông Hoàng Đình Khiếu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, khẳng định BS Lương có báo cáo việc sửa chữa hệ thống lọc nước nhưng không báo cáo việc đã sửa chữa xong, đi vào hoạt động bình thường. Ông Khiếu cho biết trang thiết bị trong Khoa Hồi sức tích cực được quản lý theo quy chế, khi phòng vật tư bàn giao phải có văn bản còn sử dụng, có nhiều người dùng; việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phòng vật tư.
Một số BS, điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo - Khoa Hồi sức tích cực được triệu tập đến tòa cũng nêu quan điểm việc quản lý, giám sát quá trình sửa chữa máy móc, nghiệm thu là trách nhiệm của phòng vật tư. Điều dưỡng được Trần Văn Sơn thông báo hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường.
Cựu giám đốc ủy quyền cho luật sư đến tòa
Trong ngày xét xử thứ 2, người đại diện cho ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, là luật sư Đỗ Quốc Quyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bất ngờ có mặt. Ông Quyền cho biết sáng cùng ngày mới làm các thủ tục cần thiết với HĐXX để tham gia phiên tòa với tư cách người đại diện, được ông Dương ủy quyền. Luật sư này nói sẽ ghi chép đầy đủ những câu hỏi của HĐXX liên quan đến ông Dương, vấn đề nào nắm rõ thì ông sẽ trả lời ngay, còn lại ông sẽ hội ý với ông Dương để trả lời bằng văn bản sau.
Bình luận (0)