Sáng 3-10, hàng trăm nhà đầu tư uỷ thác vốn đầu tư cho Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) đã có mặt tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an) để viết tường trình về vụ việc.
Phía ngoài cổng, các nhà đầu tư tập trung thành từng tốp 10-20 người để viết các bản tường trình do cán bộ C45 hướng dẫn. Trước đó, tin Công ty Khải Thái bị khám xét khẩn cấp khiến cho tất cả đều "ngã ngửa". Cho đến khi lãnh đạo của Khải Thái đều bị bắt vào ngày hôm qua (2-10) thì các nhà đầu tư càng lo sốt vó cho khoản tiền ủy thác cho Công ty Khải Thái đầu tư.
Một nhà đầu tư giấu tên cho hay hôm nay đến tường trình theo thông báo của cơ quan công an về việc bắt giữ lãnh đạo Khải Thái, mọi người đều lo lắng cho khoản tiền của mình.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, mỗi người đến đều mang theo một hợp đồng uỷ thác với phía Công ty Khải Thái. Người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới vài tỉ đồng. Mọi người đều nháo nhác hỏi nhau xem cách xử lý ra sao.
“Nguyện vọng của chúng tôi là giữ được tiền đã gửi uỷ thác. Chúng tôi là người có tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư ở một nơi sinh lợi cao. Còn việc họ kinh doanh sai trái thì họ phải chịu trách nhiệm” - một nhà đầu tư với hợp đồng trên 1 tỉ đồng, thời gian được hơn 1 năm nói.
Hầu hết các nhà đầu tư lo lắng nhất là việc thu giữ số tiền của mình. “Chúng tôi cho rằng việc gửi tiền uỷ thác là chuyện bình thường. Chúng tôi tin vào họ thì chúng tôi gửi. Họ cũng chưa lừa đảo chúng tôi bao giờ, lãi hàng tháng vẫn gửi đầy đủ” - một nhà đầu tư khác cho hay.
Cho đến 12 giờ cùng ngày, đã có hàng trăm nhà đầu tư đến nộp đơn tường trình. Điều đáng nói rất đông trong số đó tin rằng Công ty Khải Thái không phạm pháp, hợp đồng với họ là hoàn toàn bình thường. Nếu không có vụ bắt giữ thì công ty này vẫn hoàn thành nghĩa vụ trả lãi cho họ hàng tháng.
Dù vậy, một số người cũng tỏ rõ lo lắng cho số tiền uỷ thác của mình. Có người còn phản ứng với phóng viên báo chí, vì sợ “Nếu thấy lên báo, bị mất tiền thì gia đình sẽ tan nát”.
Nhiều người trong số các nhà đầu tư đã gửi đi gửi lại nhiều lần vào công ty Khải Thái và đều được trả lãi đầy đủ.
Như Báo Người Lao Động đã đưa, ngày 2-10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 6 đối tượng thuộc Công ty Khải Thái để điều tra về hành vi kinh doanh trái phép.
Các đối tượng bị bắt khẩn cấp gồm: Hsu Ming Jung (tên gọi khác là Saga), Tổng Giám đốc, người Đài Loan; Nguyễn Mạnh Linh, giám đốc công ty; Đoàn Thị Luyến, Giám đốc điều hành Chi nhánh Cầu Giấy; Đinh Thị Hồng Vinh, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Long Biên; Tăng Hải Nam, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Ba Đình và Trịnh Hòa Bình, kế toán trưởng công ty.
Trước đó, chiều 1-10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C50) phối hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái ở 3 địa điểm của công ty này (tại tầng 18, Phòng 3, Toà nhà Charmvit ở số 117 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội; tầng 11, Tòa nhà PLASCHEM ở số 562 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên; và tại Tầng 18, Tòa nhà Lotte ở số 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội).
Công ty Khải Thái có dấu hiệu kinh doanh trái phép. Xác minh tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy trong danh sách các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép mua, bán vàng miếng; danh sách các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động ngoại hối không có Công ty Khải Thái. Việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của Khải Thái cũng không nằm trong danh mục được phép.
Bình luận (0)