Ngày 31-8, TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, phiên tòa được mở đến lần thứ 13 lại phải hoãn vì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 2/3 hội thẩm nhân dân vắng mặt.
Tan hoang rừng quý
Những người liên quan đến vụ án bị truy tố ra trước tòa gồm: Phạm Văn Vượng (SN 1975), Nguyễn Thanh Lam (SN 1983), Lê Minh Tiến (SN 1970), Nguyễn Hùng Danh (SN 1981) và Đàm Thanh Cưu (SN 1982), cùng ngụ tỉnh Đắk Lắk.
Ông Phạm Văn Vượng với hàng loạt đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến vụ việc
Tháng 4-2013, sau khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty Bản Đôn, ông Nguyễn Quang Đức (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đã chỉ đạo tạm ngừng kinh doanh để vệ sinh, thu gom cành, cây rừng gãy đổ ở khu vực trung tâm công ty. Sau đó, ông Đức thuê Vượng tìm người thu gom với thỏa thuận số tiền bán phế liệu, bán củi sẽ nộp về công ty. Đầu tháng 5-2013, Nguyễn Thanh Lam nghe tin Vượng đang tìm người thu gom cành, cây rừng gãy đổ nên đã gặp và thống nhất việc khai thác gỗ đem đi bán. Để tiến hành khai thác, Lam thuê Tiến, Danh, Cưu với tiền công thỏa thuận là 500.000 đồng/người/xe gỗ khai thác được.
Từ ngày 15 đến 31-5-2013, Lam, Danh, Cưu và Tiến đã khai thác trái phép 221 cây, gồm nhiều loại quý như: giáng hương, căm xe, cà chít, chiêu liêu, cẩm sừng, gáo vàng. Tổng số gỗ mà Lam bán đi và số gỗ thu gom sau khi phát hiện là hơn 84 m3.
Đáng nói là việc khai thác gỗ trái phép này diễn ra ngay trung tâm công ty nhưng chính quyền không biết. Mãi đến cuối tháng 5-2013, UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn mới phát hiện và báo cho cơ quan chức năng.
Bỏ lọt tội phạm?
Sau một thời gian tìm hiểu, ông Vượng đã gửi đơn tố cáo, khiếu nại lên nhiều cơ quan chức năng yêu cầu làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến vụ án, trong đó có việc bỏ lọt tội phạm là Tổng Giám đốc Công ty Bản Đôn Nguyễn Quang Đức. Theo đơn tố cáo, ông Đức là người tổ chức, chủ mưu chỉ đạo việc khai thác gỗ trái phép.
Ngày 29-7-2015, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, cho thấy việc VKSND huyện Buôn Đôn truy tố các đối tượng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là có căn cứ. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan CSĐT huyện Buôn Đôn và VKSND huyện Buôn Đôn chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ mà đã ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho tòa án để xét xử... là vi phạm thủ tục tố tụng.
Không đồng ý, ông Vượng tiếp tục khiếu nại. Ngày 18-5-2016, VKSND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định cho rằng cơ quan điều tra không thu được giọng nói của ông Đức và ông Kiên (luật sư của công ty - PV) để giám định vì không xác định được 2 ông này ở đâu và không cần thiết phải trưng cầu giám định lại giọng nói theo đơn khiếu nại.
Trao đổi với báo chí, ông Vượng cho biết mình mới học hết lớp 3, không hiểu biết pháp luật nên khi ông Đức nhờ khai thác gỗ thì tin tưởng, làm theo. “Toàn bộ số gỗ đều vận chuyển qua trạm kiểm soát của công ty và được bảo vệ cho qua. Sau khi bán gỗ, chúng tôi cũng đã nộp tiền về công ty theo thỏa thuận. Việc phá rừng là có thật, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nhưng truy tố tôi chủ mưu là không đúng người, đúng tội” - ông Vượng nói.
Chuyển hồ sơ lên VKSND Tối cao
Theo 2 quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND tỉnh Đắk Lắk, nội dung tố cáo hành vi nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án của một số cán bộ công an, kiểm sát viên huyện Buôn Đôn đã được VKSND tỉnh Đắk Lắk chuyển Cục Điều tra VKSND Tối cao để xác minh theo thẩm quyền.
Bình luận (0)