Tại hành lang TAND quận Bình Tân (TP HCM) hôm đó, người nhà nạn nhân và người nhà bị cáo đến rất đông. Mỗi bên đều tranh thủ nhỏ to hội ý, không rõ họ nói với nhau những gì nhưng ai nấy cũng buồn rười rượi.
Thiếu quan sát, không giảm tốc độ
Bị cáo trong vụ án là L.V.E. (34 tuổi, quê Kiên Giang), bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Bị cáo là con út trong một gia đình có 10 chị em. Năm 2019, E. được một cơ sở kinh doanh vận tải tư nhân ở TP HCM nhận vào lái xe ben, lương 12 triệu đồng/tháng.
Theo lời khai tại tòa, 4 giờ ngày 8-5-2021, E. điều khiển xe ben lưu thông trên Quốc lộ 1 hướng từ Tỉnh lộ 10 về vòng xoay An Lạc, bất ngờ đâm vào hàng rào công trình. Hậu quả, anh T.T.M tử vong, 2 người khác bị thương.
Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do lái xe ben thiếu quan sát, không chấp hành biển báo chỉ dẫn, không giữ khoảng cách an toàn, không giảm tốc độ dẫn đến tai nạn.
Đứng ở bục khai báo, bị cáo E. khai đây là đoạn đường bị cáo chở đất, cát qua lại hằng ngày. Bị cáo biết trên đường có điểm rào chắn để thi công công trình nhưng khi lái xe đến đây bị cáo đã ngủ gật.
Bị cáo L.V.E. tại tòa
Luật sư của bị hại cho rằng cần phải xem xét thêm trách nhiệm của chủ xe. Tài xế khai đã làm việc suốt 8 giờ, từ 20 giờ hôm trước đến thời điểm gây tai nạn là 4 giờ sáng hôm sau.
Theo luật sư, luật pháp cấm tài xế lái xe liên tục quá 4 giờ nhưng chủ xe đã buộc tài xế lái xe gấp đôi số giờ cho phép, khiến tài xế kiệt sức.HĐXX lại cho rằng trong 8 giờ làm việc thâu đêm, bị cáo vẫn được nghỉ ngơi trong lúc chờ xúc đất, cát lên xe.
Mặt khác, luật sư của bị hại không cung cấp được chứng cứ khác để chứng minh quan điểm bào chữa của mình. Do đó, chủ xe không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy quan điểm của luật sư đã bị bác nhưng qua tranh cãi giữa các bên, có thể hình dung ra đôi mắt đỏ hoe, mệt mỏi của bị cáo vì làm việc suốt đêm trước thời điểm gây tai nạn. Nói lời sau cùng, bị cáo bày tỏ ray rứt: "Bị cáo mong tòa xem xét cho bị cáo được sớm trở về để kiếm tiền lo cho gia đình bị hại".
Bài học suốt đời
Giờ nghị án, chị C. - vợ bị hại, ôm xấp hồ sơ trầm ngâm. Chồng chị là kỹ sư xây dựng, lương tháng 12 triệu đồng. Chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty gần nhà.
Năm 2012, anh chị cưới nhau và sinh con đầu lòng. 5 năm sau, khi cuộc sống gia đình ổn định hơn, anh chị sinh con trai thứ hai. Ngoài lo cho 2 con, vợ chồng chị còn gửi cho ba mẹ chồng 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Chị C. kể: "Hồi tai nạn xảy ra, chủ xe đến nhà "ngã giá" 150 triệu đồng để mẹ con tôi "không làm lớn chuyện". Gia đình tôi không đồng ý, họ im bặt tới nay".
Ra tòa, hai bên nội, ngoại thống nhất yêu cầu tài xế và chủ xe bồi thường cho gia đình 1 tỉ đồng. Trong đó, yêu cầu cấp dưỡng cho 2 con nhỏ đến năm các cháu đủ 18 tuổi là hơn 800 triệu đồng, còn lại là tiền chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần và tiền phụng dưỡng cha mẹ già.
Theo chị C., nếu các bên liên đới chấp nhận bồi thường theo yêu cầu, mẹ con chị chỉ nhận 500 triệu đồng để khép lại hơn 2 năm ròng chạy ngược chạy xuôi theo đuổi vụ án.
Chủ xe không dự phiên tòa mà ủy quyền cho người khác đến tranh luận về các khoản bồi thường. Phía chủ xe nói dù họ rất thông cảm với mất mát của gia đình nạn nhân nhưng không thể chấp nhận mức bồi thường mà chị C. yêu cầu.
Người nhận ủy quyền cho biết chủ xe sẽ bồi thường 60 triệu đồng với điều kiện gia đình chị C. phải chứng minh "chi phí ma chay không bao gồm tiền ăn uống, tiệc tùng trong đám tang" và cung cấp được giấy tờ về tiền cấp dưỡng hằng tháng cho cha mẹ.
Về yêu cầu tiền cấp dưỡng các con bị hại, đại diện chủ xe cho rằng trách nhiệm này thuộc về tài xế gây tai nạn. Họ biện giải lẽ thường việc nuôi con là nghĩa vụ chung của vợ chồng, khi chồng không may qua đời thì vợ phải gánh vác. Nếu HĐXX buộc chủ xe bồi thường thì họ chỉ đồng ý cấp dưỡng hằng tháng cho 1 cháu.
Chị C. thở dài: "Có ai lường trước việc anh phải ra đi như thế này để giữ lại các bằng chứng như yêu cầu của chủ xe?". Chị nói vụ tai nạn khiến chồng chị mất mạng oan uổng, đó là nỗi đau rất lớn cho gia đình nhưng điều chị trăn trở nhất là tương lai của 2 con nhỏ. "Giá như tài xế lẫn chủ xe làm đúng quy định, đừng chủ quan thì gia đình tôi đâu phải chịu cảnh mất mát, đau thương tột cùng này" - chị C. bật khóc.
Nghĩ về chặng đường sẽ đi sắp tới của E., người nhà bị cáo cũng không khỏi xót xa: "Tiền bạc không có, vợ con cũng không, bây giờ còn tù tội...".
Một mạng người và sự quy đổi bằng một bản án tù - cộng thêm những bồi thường tổn thất bằng giá trị kinh tế - có vẻ vẫn thiếu công bằng cho gia đình người bị hại. Nhưng dù sao bản án cũng là bài học cho bị cáo, chủ xe và nhiều người khác về ý thức chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm mỗi người khi ngồi sau vô lăng!
Bình luận (0)