"Shop quân tư trang ngành công an chính hãng", "Quân phục quân đội Việt Nam", "Quần áo quân đội chuẩn cấp phát quân nhu", "Đồ bộ đội, quân tư trang"... là tên của một số nhóm trên Facebook chuyên mua bán, trao đổi quân phục của 2 lực lượng này.
Loại nào cũng có
Theo tìm hiểu, những nhóm này có số lượng thành viên rất đông lên tới hàng ngàn người. Mỗi ngày có đến cả chục bài viết mời chào các loại quân phục. Từ những bài đăng bán hàng của tài khoản Facebook tên L.X.H, phóng viên thử liên hệ tìm hiểu. Người này mời chào một bộ vệ binh có giá 350.000 đồng, chưa kể chi phí giao hàng. "Hàng hiếm đấy, giá thị trường không dưới 500.000 đồng/bộ" - người này nói. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc mặt hàng, người này cho biết: "Hàng mới 100%. Do quân khu… sản xuất". Để thuyết phục chúng tôi, người này còn gửi thêm hình ảnh đoạn tin nhắn phản hồi chất lượng sản phẩm của khách hàng.
Trao đổi với một tài khoản Facebook chuyên đăng bài bán quân phục có tên T.T.H, người này mời chào bộ quân phục của lực lượng biên phòng có giá 450.000 đồng, hàng chưa qua sử dụng và cam kết đây là hàng do quân nhu sản xuất. Ngoài việc rao bán quân phục, trên các hội nhóm này còn mời chào bán các loại cầu vai, quân hàm, giày, biển tên, còng tay, gậy, dùi cui... Nhiều tài khoản còn cam kết có thể bán với số lượng lớn các sản phẩm đáp ứng mọi cấp bậc, chức vụ.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện hàng ngàn bộ quần áo rằn ri, quân phục không rõ nguồn gốc xuất xứ Ảnh: CAO NGUYÊN
Không chỉ rao bán trên mạng, hiện nay quần áo rằn ri đủ kích cỡ từ trẻ em đến người lớn được bày bán nhiều trên thị trường. Tại TP HCM loại quần áo này được bán ở các chợ: Dân Sinh (quận 1), Tân Bình (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh).
Tại chợ Dân Sinh, quần áo rằn ri được bày bán khá nhiều, giá khoảng 300.000 đồng/bộ trẻ em, 500.000-600.000 đồng/bộ người lớn. Quần áo rằn ri bán tại chợ này đa phần là hàng mới, với nhiều loại chất liệu vải khác nhau. Các tiểu thương ở chợ Dân Sinh và chợ Tân Bình cho biết những mặt hàng này chỉ nhận về bán chứ không có hóa đơn chứng từ.
Tại TP Hà Nội, dọc phố Lê Duẩn từ lâu được biết đến với hàng chục ki-ốt kinh doanh các sản phẩm, trang phục bảo hộ lao động, quần áo, giày dép, mũ cối... từ người lớn đến trẻ em. Đáng chú ý, đến đây khách hàng còn có thể mua được một bộ quân phục của lính Mỹ và nhiều nước khác… thậm chí cả quân phục của sĩ quan quân đội, công an Việt Nam.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi tìm đến phố Lê Duẩn để ghi nhận thực tế. Khi xe vừa giảm tốc độ, nhiều chủ ki-ốt liền đứng lên vẫy chúng tôi và kèm theo câu: "Các cháu vào đây, ở đây cái gì cũng có". Ghé vào một cửa hàng của bà chủ khoảng ngoài 60 tuổi, bên trong đủ các loại quần áo bảo hộ, grab, trang phục sĩ quan quân đội, công an Việt Nam... Thậm chí là của lính Mỹ, Hàn Quốc.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua một bộ quân trang công an, lúc đầu người phụ nữ ngập ngừng hỏi han để dò xét. Sau khi chúng tôi bày tỏ muốn đi cửa hàng khác để mua thì người này nói: "Ở đây chỗ nào cũng giống nhau, các cháu đi sang bên kia cũng như thế cả".
Bà nói thêm đợt này mặt hàng này bị cơ quan chức năng "để ý" nhiều nên không trưng bày, nếu mua thì tối sẽ mang ra cho lấy. Về giá cả, chủ cửa hàng T.H cho biết với đồ công an giá 500.000 đồng/bộ, cầu vai 300.000 đồng/đôi, cành tùng 100.000 đồng/đôi. "Hàng chuẩn, cấp nào cũng có" - người này nói. Thậm chí khi hỏi đến còng số 8, người này nói: "Sẽ mua hộ, khoảng 300.000 đồng/chiếc".
Không xuất được hóa đơn, chứng từ
Tại tỉnh Kon Tum, các đường Trần Hưng Đạo, Trường Chinh (TP Kon Tum) được coi là "thiên đường" của những bộ quần áo rằn ri. Tới đây, khách hàng dễ dàng mua được những bộ quần áo rằn ri với đủ loại kích cỡ. Cửa hàng của bà Vũ Thị Nguyệt (đường Hùng Vương, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) được xem là "tổng kho", đại lý của mặt hàng quần áo rằn ri lớn nhất tỉnh Kon Tum.
Các bộ quần áo rằn ri đều đã qua sử dụng, một số trên ngực còn ghi thông tin của người đã sử dụng trước đóẢnh: HOÀNG THANH
Theo quan sát, quần áo rằn ri tại cửa hàng bà Nguyệt được bày bán công khai, treo đầy trên tường và để dưới nền nhà. Số quần áo rằn ri được xếp xen kẽ với những loại quần áo khác trong cửa hàng. Một số chiếc áo rằn ri được bày bán ghi tên bằng tiếng Việt của người đã sử dụng trước đó, số khác có gắn cờ Hàn Quốc ở vùng ngực, một số khác thì có chữ U.S.ARMY. Theo bà Nguyệt, toàn bộ số hàng này được nhập từ TP HCM về bán kiếm lời, bà Nguyệt bán với giá từ 50.000 đồng/chiếc quần hoặc áo.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Kon Tum phối hợp với Công an huyện Đắk Hà và chính quyền địa phương bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo của bà Vũ Thị Nguyệt. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 1.000 bộ quần áo rằn ri đã qua sử dụng, mang nhãn hiệu nước ngoài không có chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tất cả quần áo trên là trang phục rằn ri giống quân trang quân đội nước ngoài dùng. Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Hộ kinh doanh bà Vũ Thị Nguyệt bị xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu có giá trị 50 triệu đồng và bị tịch thu tang vật gồm 1.000 chiếc áo dài tay rằn ri.
Những ngày qua, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán quần áo rằn ri, quân phục không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn tỉnh. Sáng 13-6, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo tại địa chỉ 45 An Dương Vương (phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ) do anh Lê Quang Minh (SN 1994) làm chủ.
Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang bày bán công khai hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri, thắt lưng, quân phục đã qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Làm việc với đoàn kiểm tra, anh Lê Quang Minh khai nhận đã nhập toàn bộ số hàng trên từ TP HCM về bán kiếm lời.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường bám sát địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời những cơ sở kinh doanh quần áo rằn ri không đúng quy định nhằm góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh" - một lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cho biết. (Còn tiếp)
Phát hiện, xử lý nhiều vụ tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép
Pháp luật nghiêm cấm mọi cá nhân có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng trái phép. Song thực tế tại tỉnh Bình Định vẫn có một số người dân bất chấp tàng trữ, sử dụng súng để săn bắt động vật, nguy hiểm hơn là giải quyết mâu thuẫn.
Cụ thể, ngày 21-6, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây mua bán súng, đạn lớn do 4 đối tượng ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) và 1 đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk thực hiện, thu giữ 9 khẩu súng và 87 viên đạn. Trong đó, có 7 súng quân dụng, 1 súng pháo, 1 súng đạn cao su.
Mới đây, T.H.H. (SN 1991; ngụ huyện Vân Canh) đã bị UBND huyện Tuy Phước xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi "Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép", đồng thời tịch thu khẩu súng hơi và đạn do H. tàng trữ...
Huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong kháng chiến chống Mỹ có nhiều căn cứ quân sự và diễn ra những trận đánh. Vì vậy, một lượng lớn bom, đạn, vũ khí các loại còn sót lại sau chiến tranh đến nay chưa thể xử lý, thu gom hết.
Các đối tượng tội phạm lợi dụng tình hình này để hoạt động mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, kích động xúi giục người dân hoạt động phạm pháp đào bới, tìm kiếm, cưa phá bom, mìn, đầu đạn để lấy thuốc nổ, phụ kiện, phế liệu làm nguồn cung cấp.
Mặt khác, phong tục tập quán sử dụng vũ khí, súng săn để săn bắn động vật của một bộ phận người dân, đồng bào dân tộc vẫn còn, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh ngăn chặn...
Qua thực hiện công tác vận động thu hồi, từ năm 2020 đến nay, công an 2 huyện Nam Đông và A Lưới đã thu hồi hơn 200 khẩu súng tự chế, hàng trăm viên đạn các loại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận động nhân dân tự giác giao nộp 23 súng quân dụng, 4 súng hơi, 38 súng tự chế, 1.649 viên đạn quân dụng, 497 viên đạn khác...
A.Tú - Q.Nhật
Bình luận (0)