Ngày 5-10, Công an quận Tân Phú (TP HCM) cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Hồng Thạch, Trần Văn Quân, Hoàng Anh Tuấn (ngụ tỉnh Đồng Nai và TP HCM) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Công an đã ra thông báo tìm bị hại và mở rộng điều tra vụ án này.
Giả mạo ngân hàng
Trước đó, ngày 26-9, Công an quận Tân Phú phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM cùng nhiều cơ quan chức năng ập vào căn nhà trên đường Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật phục vụ việc lừa đảo như điện thoại bàn, tai nghe, máy tính, máy in, giấy ghi chép thông tin bị hại, danh sách bị hại nộp tiền… Có 82 người bên trong nhà này bị đưa về trụ sở làm việc.
Công an xác định đường dây lừa đảo này do Nguyễn Hồng Thạch cầm đầu và đã lừa hơn 600 người ở nhiều nơi với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Nguyễn Hồng Thạch khai dùng căn cước công dân của người khác để thuê nhà sau đó tuyển dụng hàng chục người. Những người được thuê có nhiệm vụ liên lạc, tư vấn dẫn dụ khách; tổng hợp số liệu, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện…
Hằng ngày, Thạch cung cấp cho "nhân viên" danh sách nhiều cá nhân (tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn. Theo đó, Thạch chỉ đạo họ sử dụng điện thoại bàn gọi điện cho người có tên trong danh sách để tư vấn cho vay. Thủ đoạn là mạo danh nhân viên ngân hàng rồi đưa thông tin gian dối cho vay từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%; khách vay phải đóng phí bảo hiểm từ 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng.
Khi được đồng ý, nhóm Thạch sẽ chuyển cho khách hợp đồng giả và thẻ ngân hàng giả thông qua dịch vụ nhờ thu hộ của bưu điện. Khách nhận được hồ sơ giả, tin tưởng nên trả phí bảo hiểm… Chiếm đoạt được tiền, nhóm tội phạm cắt liên lạc.
Một băng lừa đảo qua điện thoại khác cũng vừa bị Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) triệt phá vào ngày 27-9. Chủ mưu là Lê Thị Thanh Sáu (ngụ quận Tân Phú) cùng 7 đồng phạm bị bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tương tự như thủ đoạn của nhóm Thạch, Sáu cùng đồng phạm giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho các bị hại theo danh sách dữ liệu khách hàng mà chúng mua được trên mạng. Các bị hại được dụ dỗ rằng trước khi nhận được các khoản vay lãi suất 0% thì phải đóng phí bảo hiểm từ 1,8 triệu đến 3,8 triệu đồng. Sau đó họ nhận được thẻ giống thẻ ngân hàng nhưng không rút được tiền, liên lạc lại thì nhóm Sáu khẳng định thẻ lỗi và hứa cử người đến nhà giao tiền trực tiếp. Tuy nhiên, sau cuộc gọi thì nhóm này "lặn không sủi tăm".
Nguyễn Hồng Thạch, người cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 600 người
Bên trong “trụ sở lừa đảo” của Nguyễn Hồng Thạch
Nên tố cáo, cung cấp thông tin
Quá trình đấu tranh, mở rộng điều tra vụ án lừa đảo do Nguyễn Hồng Thạch cầm đầu, công an nhận thấy nhiều nạn nhân không tố cáo vì cho rằng số tiền ít, ngại mất thời gian. "Điều này sẽ vô tình tiếp tay cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục lộng hành. Các nạn nhân bị lừa đảo cần cung cấp thông tin cho công an để công tác điều tra được nhanh chóng, chính xác nhằm xử lý đúng người, đúng tội theo quy định" - Công an TP HCM thông tin.
Để tránh bị lừa đảo, Công an TP HCM khuyến cáo người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan và chỉ nên tiếp cận với các giao dịch tín dụng, vay vốn ngân hàng hợp pháp để tránh sập bẫy của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Nói về các vụ lừa đảo tội phạm công nghệ cao, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại chứng cứ (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp những dữ liệu tới cơ quan công an gần nhất.
Theo bà Đỗ Thị Thùy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Tiếp thị Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, ngoài hình thức mạo danh ngân hàng cho vay lãi suất 0%, hiện có nhiều công ty cho vay qua app hoạt động không được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước.Các nhóm tội phạm cố tình sử dụng tài khoản Facebook, website, Zalo có logo, hình ảnh phòng giao dịch của các công ty tài chính uy tín... để dụ dỗ khách hàng vay qua app.
Khi khách hàng quá hạn, chúng liền ghép ảnh đăng trên mạng xã hội, đồng thời gọi điện khủng bố khách hàng và những người liên quan nhưng lại xưng danh công ty tài chính để thu nợ. "Trước những hành vi lừa đảo nêu trên, người dân cần tỉnh táo và cảnh giác. Khi nhận được những lời mời, quảng cáo cho vay với lãi suất hấp dẫn cần xác minh kỹ thông tin. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay làm theo các yêu cầu giao dịch từ người lạ" - bà Vân nói.
Không yêu cầu chuyển phí
Theo bà Đỗ Thị Thùy Vân, người dân đặc biệt lưu ý thủ tục vay từ phía công ty tài chính không yêu cầu thanh toán bất kỳ khoản phí nào trước khi khách hàng nhận được khoản giải ngân.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay, có thể tiếp cận thông qua các cổng thông tin chính thức của các công ty tài chính như: Website, Zalo, tổng đài hỗ trợ hoặc đến điểm giao dịch gần nhất để được nhân viên tư vấn.
Bình luận (0)