Những vụ trộm chó đầy thách thức, những án mạng nghiêm trọng liên quan đến trộm chó không còn là cá biệt. Cái ác lộng hành trong khi chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật. Điều gì đang xảy ra?
Chính quyền địa phương yếu kém
Trước hết, tôi cho rằng để cho cái ác lộng hành bắt đầu từ các vụ trộm chó vừa qua có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương.
Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, Nhà nước có những “công cụ” như quân đội, công an để trấn áp những hành vi trái pháp luật gây mất trật tự, an ninh, chính trị trong xã hội để người dân có thể được bảo đảm sinh sống một cách an toàn.
Các vụ trộm chó chỉ xảy ra ở một làng, xã - tức ở một phạm vi hẹp, vậy mà chính quyền địa phương đã cho rằng các “đội quân” trộm chó rất hung hăng, nạn trộm chó là nan giải, khó giải quyết... rồi bất lực trước loại tội phạm này. Phải nói thẳng đây chính là sự yếu kém của các cấp chính quyền địa phương khi để cho “đội quân” trộm chó lộng hành không những ban đêm mà còn cả ban ngày.
Khi chính quyền địa phương bất lực, không thể giải quyết được những yêu cầu chính đáng của người dân tất nhiên tạo nên sự bức xúc trong dư luận, buộc họ phải có cách giải quyết để tự bảo vệ tài sản của mình.
Nhà nước chúng ta có pháp luật, có những công cụ đủ mạnh để trấn áp những hành vi được xem là tội phạm. Hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ xấu sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, cho dù chúng nguy hiểm tới đâu, thủ đoạn như thế nào.
Những vụ trộm chó vừa qua, chúng ta không thể cho rằng vì con chó chưa đến 2 triệu đồng nên không thể xử lý người có hành vi vi phạm được. Theo tôi, với các chế tài hiện nay đối với hành vi chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn đủ để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực như trên.
Luật của chúng ta đã có, các chế tài đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu của xã hội, điều còn lại là những người áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật vận dụng ra sao, có thực sự quyết tâm làm đến cùng hay không và đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương có làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân hay chưa?
Đưa tử thi đối tượng trộm chó bị người dân làng Nhĩ Trung,xã Gio Thành, huyện
Gio Linh - Quảng Trị bị đánh chết đi khám nghiệm. Ảnh: THI NHÂN
Tuân thủ pháp luật
Phải thấy rằng đối với phần đông người Việt Nam, con chó không đơn giản là tài sản, vật nuôi mà còn là một người bạn trung thành. Vì vậy, nhiều lần bị bắt mất chó mà chính quyền địa phương không làm gì được, ngược lại bọn trộm chó càng lộng hành, “của đau con xót”, người dân bức xúc dẫn đến hành động tiêu cực, thậm chí phạm pháp là điều không khó hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hiện đại, văn minh nên không thể có tư tưởng như thời trung cổ, kiểu như ăn trộm phải bị chặt tay, giết người phải đền mạng…, mà phải sống và làm việc theo pháp luật.
Không thể vì quá bức xúc với sự mất mát tài sản mà có quyền “tự xử” bởi việc làm đó sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là khi người có hành vi trộm cắp bị thương tật, thậm chí tử vong. Sinh mạng con người là vô giá, không ai được quyền tước đoạt.
Ngay cả pháp luật khi xử lý các đối tượng có hành vi giết người cũng phải qua nhiều giai đoạn tố tụng, từ điều tra, kiểm sát rồi mới đến xét xử. Khi xét xử có nhiều cấp từ sơ thẩm đến phúc thẩm, thậm chí kháng nghị giám đốc thẩm. Việc tuyên án cũng phải cân nhắc nguyên nhân, động cơ, mục đích, mức độ phạm tội... để có mức án phù hợp.
Một điều mà xã hội cần quan tâm nữa là trẻ em của những địa phương gây ra án mạng đánh chết đối tượng trộm chó sẽ phát triển nhân cách như thế nào khi được chứng kiến cuộc giết người công khai, dã man đó? Người lớn có hành vi mang đầy tính bạo lực, con trẻ như một cái “máy thu”, sẽ thu lại tất cả và sẽ có lúc chúng “phát lại” rập khuôn, nguyên xi.
Chúng sẽ áp dụng cho chính những trường hợp chúng gặp phải như bị bạn lấy trộm đồ; anh, em giành bánh, kẹo với nhau… Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các vụ trọng án ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ phạm tội cũng như sự trẻ hóa tội phạm.
Chỉ một cái nhìn không thích, một câu nói vu vơ, một cử chỉ thấy ghét cũng đủ khơi nguồn bạo lực, dẫn đến những thiệt hại về tính mạng và tài sản. Cho nên, chúng ta đừng là những “điển hình”, đừng là “thầy dạy bạo lực” cho trẻ.
Sống trong xã hội có pháp luật, không ai được phép tự cho mình quyền “xử” một người mà không cần phải có một phiên tòa. |
Bình luận (0)