Ngày 14-9, một lãnh đạo VKSND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ cho TAND cùng cấp để xét xử đối với bị can Trần Văn Tiến (SN 1969, ngụ xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) về hành vi trộm cắp tài sản.
Ông Trần Văn Tiến bị truy tố về tội trộm cắp tài sản
Theo cáo trạng, thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban quản lý dự án) và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Cư Kuin đã chi trả tiền bồi thường đối với 4 cây muồng trên bờ lô cho Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức với số tiền hơn 12 triệu đồng.
Trưa 21-10-2022, Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Cư Kuin dẫn đơn vị giải tỏa mặt bằng đến cắt 4 cây muồng thì ông Tiến (hộ nhận giao khoán lô cà phê số 21 với công ty) cho rằng 4 cây muồng trên đang tranh chấp nên cản trở, không cho cắt hạ.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, ông Tiến dùng cưa cắt hạ 1 trong 4 cây muồng nói trên và cưa thành 3 khúc. Đến sáng 22-10-2022, ông Tiến thuê 2 người khác chở 1 khúc gỗ muồng ra xưởng cưa ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) xẻ thành 3 tấm gỗ.
Theo kết luận giám định, khúc gỗ muồng có khối lượng 1,258m3 gỗ tròn, trị giá hơn 2,6 triệu đồng.
Quá trình điều tra, truy tố, bị can Trần Văn Tiến đã khai nhận hành vi cắt, xẻ cây gỗ muồng nhưng cho rằng không phạm tội trộm cắp tài sản vì cây muồng này là thuộc sở hữu của ông. Nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án thì việc bị can cho rằng không phạm tội là không có căn cứ để chấp nhận.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ông Trần Văn Tiến cho biết năm 1994 gia đình ông đã nhận giao khoán lại vườn cà phê của 1 hộ dân với Công ty cà phê Việt Đức (nay là Công ty TNHH MTV cà phê Việt Đức) và ông trở thành công nhân của công ty.
Lúc này, trên vườn có cây cà phê trồng năm 1983 và hàng muồng 23 cây nằm giữa bờ lô. Hàng muồng này đã được đội trưởng đội sản xuất, bí thư chi đoàn kiêm bảo vệ và trưởng ban chấp hành công đoàn thời kỳ đó xác nhận do người nhận khoán tự trồng, chăm sóc.
Đến năm 2022, khi nhà nước thu hồi 1 phần diện tích đất, có 4 cây muồng phải đốn hạ để làm đường, ông Tiến chấp hành chủ trương, tự nguyện bàn giao mặt bằng. Sau đó, cơ quan chức năng đến kiểm đếm 4 cây muồng và theo ông Tiến thì các bên thống nhất để gia đình ông tự khai thác, nhà nước không phải đền bù. Tuy nhiên, khi ông lấy 1 lóng về để đóng bàn ghế thì bị khởi tố nên ông không đồng ý.
Bình luận (0)