Sau 2 ngày xét xử tại Tòa án Quân sự Thủ đô (Hà Nội), từ 16 giờ 30 phút chiều 31-7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", 47 tuổi, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm liên quan đến những sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa - Ảnh: TTX
Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt: Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 2 năm tù về tội "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức", tổng hình phạt là 12 năm tù giam.
Bị cáo Trần Văn Lâm bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Trần Xuân Sơn bị tuyên 18 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng. Bị cáo Sơn được trả tự do ngay tại phiên tòa.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp bị tuyên 24 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng.
Bị cáo Phùng Danh Thắm nhận mức án cải tạo không giam giữ 24 tháng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, tại phiên tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho biết liên quan đến thế chấp, cho thuê xe ô tô, bị cáo đều xin ý kiến cấp trên là tổng công ty, HĐQT đồng ý thì mới dám quyết định việc cho thuê hay thế chấp. Hơn nữa, trong số xe ô tô cho thuê có cả xe gắn biển 80A trắng và biển 80M.
Về việc cho mượn xe ô tô, Út "trọc" cho rằng bản thân bị cáo "sống rất tình nghĩa với mọi người trên dưới". Khi xin tờ trình, các cấp từ tổng công ty đều xác nhận và khẳng định cấp xe để hoạt động kinh doanh, đối nội lẫn đối ngoại.
Bị VKS cáo buộc mua bằng giả, bị cáo Hệ cho biết bản thân xuất thân là nông dân, vào ở với người anh trong TP HCM. Nhờ mối quan hệ xã hội nên nhờ người học và dùng bằng giả Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo Út "trọc", nếu bị cáo không khai có bằng đại học kinh tế thì từ năm 2001 đến 2010 vẫn được lên cấp bậc trung tá, chứ không phải dùng bằng giả để thăng tiến. Đến tháng 3-2014 bị cáo đã có bằng chính quy nên vẫn có thể lên được hàm thượng tá.
Còn về cáo buộc Út "trọc" cấu kết làm giả hợp đồng khống gửi giữ 20.0000 lít xăng kém chất lượng. Tại phiên tòa, bị cáo Hệ vẫn một mực nói mình không biết gì, và lời khai của các đồng phạm là vu khống.
Tuy nhiên, trong phần luận tội theo đại diện VKS Quân sự, việc đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là hành vi phạm tội của bị cáo Hệ và các đồng phạm thuộc nhóm tội về tham nhũng. Cáo trạng của VKS Quân sự là thể hiện đúng người, đúng tội.
Vị đại diện VKS Quân sự cũng cho rằng phiên tòa diễn ra đúng trình tự, thủ tục, khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức. Mọi lời khai của Đinh Ngọc Hệ trước tòa là thiếu căn cứ.
Trước đó, sáng ngày 31-7, đại diện VKS Quân sự đã đề nghị mức án như sau: Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 10-12 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 2-3 năm tù về tội "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức", tổng hình phạt là 12-15 năm tù.
Trần Văn Lâm bị đề nghị 5-7 năm tù; bị cáo Trần Xuân Sơn bị đề nghị 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù cho hưởng án treo; Bùi Văn Tiệp bị đề nghị 2 đến 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Riêng bị cáo Phùng Danh Thắm bị đề nghị cải tạo không giam giữ 1 năm 6 tháng đến 2 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bình luận (0)