“Trí thức phạm tội sao thấy... thương quá!”. Ngồi kế tôi, một luật sư có thâm niên hành nghề đã thốt lên như vậy. Tôi hiểu vì sao ông đưa ra lời nhận xét đó. Suốt phiên tòa, các bị cáo luôn tỏ ra thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, HĐXX không cần phải lật hồ sơ đưa ra các chứng cứ, lời khai để chứng minh tội phạm. Luật sư bào chữa và VKSND cũng khá nhẹ nhàng trong phần tranh luận vì ngoài các tình tiết xin giảm nhẹ hình phạt, các luật sư không tranh luận gì về tội danh mà cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Lưu Tố Lan (hàng đầu, bên phải) và đồng phạm
Những giọt nước mắt hối lỗi
Nhiều nhất trong phiên tòa là tiếng thở dài đau xót, tiếc nuối của đồng nghiệp các bị cáo và cả những người chưa một lần quen biết; những giọt nước mắt tuôn tràn, lời nói nghẹn ngào đầy tủi hổ, chua xót của các bị cáo khi buộc phải kể lể hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, những cống hiến đáng tự hào của bản thân và gia đình để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật... Phòng xử vì thế đã lặng đi trong nỗi đau có thật đó.
Bị cáo - bác sĩ Lưu Tố Lan nức nở: “Tôi đã đánh mất công danh, sự nghiệp, uy tín, danh dự của bản thân; làm ảnh hưởng và tổn thương đến Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi đã cho tôi sự nghiệp; phản bội lại cha tôi - một thầy thuốc ưu tú, liêm khiết, đức độ, cả đời hy sinh vì bệnh nhân; là tấm gương xấu cho con gái và trở thành một kẻ xấu xa của xã hội... Tôi xứng đáng bị kết tội và bị trừng phạt... Bây giờ, chỉ có căn nhà duy nhất, tôi xin được bán để khắc phục hậu quả đã gây ra...”.
Các bị cáo còn lại, những người từng là bác sĩ, dược sĩ, trình dược viên... cũng có chung tâm trạng: “Thật vô cùng xấu hổ khi đứng trước vành móng ngựa để nói những lời này. Dù sự việc xảy ra đã 2 năm nhưng trong suốt thời gian đó, không ngày nào bị cáo được bình yên, luôn phải suy nghĩ, day dứt rất nhiều. Chỉ vì hám lợi trước mắt, không vượt qua được lòng tham, không lường hết hậu quả và thiệt hại mà đã gây nên tổn thương, mất mát cho ngành, bệnh viện, gia đình và bản thân. Bị cáo ao ước, giá mà mình chưa từng làm như thế...”.
Những mất mát mà họ đã kể ra dù chưa phải là tất cả nhưng rất thật và rất nặng nề. Để có thể khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, họ phải trải qua một cuộc sát hạch rất gắt gao từ kỳ thi tuyển sinh đại học. Chi phí, thời gian, công sức bỏ ra cho việc học, đầu tư sâu cho chuyên môn không phải chỉ 6 năm học mà gần như kéo dài suốt thời gian họ công tác trong ngành. Trong khi đó, đồng lương quá thấp, cơ sở y tế và bệnh nhân quá tải khiến người thầy thuốc luôn phải làm việc quá sức nhưng không được phép sai sót và hàng trăm áp lực khác... Thế nên, ít nhiều, các bị cáo từng có những cống hiến nhất định cho ngành y tế và xã hội. Cũng có lẽ vì vậy mà dù việc xác định tội danh và mức hình phạt theo quy định của pháp luật không mấy khó khăn nhưng HĐXX vẫn dành thời gian nghị án khá dài để cân nhắc trước khi quyết định mức hình phạt cho họ.
Trả giá vì phản bội lời thề
“Mai sau dù có thế nào, khuyên con đừng có thi vào ngành y”. Đó là câu nói vui của nhiều người “lỡ mang lấy nghiệp vào thân” nhưng qua đó cũng cho thấy những vất vả, nhọc nhằn, hy sinh mà người thầy thuốc buộc phải chấp nhận ngay từ trước khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề Đạo đức Y khoa (lời thề Hippocrates) với nội dung như: Người thầy thuốc phải biết hy sinh bản thân, quên mình, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi của mình; hiểu được nỗi đau của người bệnh, đồng cảm với họ, xem họ như người thân của mình; không được làm điều dối trá, gian lận, đi ngược lại quyền và lợi ích của người bệnh..., dẫu không phải là những điều luật nhưng là những tiêu chuẩn đạo đức mà người thầy thuốc có trách nhiệm phải tuân theo. Thực tế cuộc sống có rất nhiều thầy thuốc đã làm tốt điều đó. Họ thật sự là những thầy thuốc chân chính, được xã hội trân trọng.
Nhưng cũng có không ít những thầy thuốc đã và đang biến mối quan hệ bệnh nhân - thầy thuốc thành quan hệ dịch vụ - khách hàng thuần túy, xem lợi nhuận là trên hết, quên đi trách nhiệm và y đức của một thầy thuốc; kẻ cả, hách dịch và lạnh lùng trước nỗi đau của người bệnh; dùng những thủ đoạn, mánh khóe để tham ô tiền Nhà nước... Đáng nói là thực trạng đó không còn hiếm hoi.
Bài học nhãn tiền
“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại”. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lời thề Hippocrates vẫn còn nguyên giá trị. Vậy nên, hình ảnh các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trả giá và cầu xin lượng khoan hồng từ bỏ công danh sự nghiệp, danh dự, uy tín mà mình dày công dựng lên không chỉ là bài học nhãn tiền của riêng các bị cáo. |
Bình luận (0)