Ngày 5-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) tại huyện Bình Chánh giai đoạn 2013-2019.
Báo cáo tình hình xử phạt VPHC trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết từ năm 2013 đến cuối năm 2019, huyện phát hiện hơn 33.400 vụ vi phạm. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành hơn 31.700 quyết định xử phạt VPHC. Hiện huyện Bình Chánh còn gần 5.000 quyết định trong số trên chưa thi hành xong.
Xây dựng sai phép ở huyện Bình Chánh
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông đường bộ khó thực hiện vì đa số người vi phạm chỉ tạm trú, tang vật tạm giữ có giá trị thấp hơn tiền phạt.
Đáng chú ý, phần lớn quyết định xử phạt VPHC lĩnh vực thương mại và môi trường có mức tiền phạt cao. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vi phạm không chấp hành đóng phạt hoặc không đủ điều kiện đóng phạt. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm chây ì, cố tình đối phó cơ quan nhà nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, như: thay đổi pháp nhân hoạt động, lắp đặt hệ thống xử lý nhưng không vận hành thường xuyên, chôn hệ thống xả thải trong lòng đất…
Về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Tài nhìn nhận không ít đơn vị liên quan chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý cơ sở sản xuất-kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
Biên chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phân bổ đến UBND cấp huyện, xã chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Phần lớn cán bộ cấp xã-thị trấn làm việc trong lĩnh vực môi trường kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Do đó, cán bộ nắm bắt, thực thi luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật trong lĩnh vực này còn chậm, lúng túng.
Đại diện UBND huyện Bình Chánh nói về 3 quyết định hành chính bị người dân khởi kiện
Từ thực tế, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh phản ánh nhiều bất cập, hạn chế của Luật Xử lý VPHC hiện hành. Cụ thể, luật quy định 10 biện pháp khắc phục hậu quả nhưng ngoài biện pháp "buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng sai phép, không phép" thì việc cưỡng chế đối với các biện pháp khắc phục hậu quả khác, rất gian nan do chưa có văn bản hướng dẫn.
"Những trường hợp xây dựng trái phép, ô nhiễm trên đất trồng lúa, chúng ta có thể cưỡng chế tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, việc khôi phục lại nguyên trạng đất lúa hay môi trường nuôi trồng thủy sản là rất khó" - ông Tài dẫn chứng.
Bình luận (0)