Lý giải về việc trong 4 năm - từ 2014 đến 2017 - lỗ 1.726 tỉ đồng, CEO Grab Việt Nam cho rằng ngoài mục đích quảng bá, phát triển thương hiệu thì Grab còn thưởng cho tài xế để khuyến khích họ làm việc chăm chỉ hơn. Grab biện minh rằng việc thua lỗ qua các năm giảm dần và dự kiến năm 2018, Grab sẽ nộp thuế gấp 3 lần so với năm 2017.
Đại diện Vinasun (trái) chất vấn phía Grab
Theo Grab, đây là vụ kiện với yêu cầu "vô căn cứ" và không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tại các phiên xét xử, Grab luôn tự hào là doanh nghiệp (DN) có uy tín với lợi ích vô giá mà họ đem lại cho người dân Việt Nam trong thời gian qua.
"Chúng tôi mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở các quốc gia mà chúng tôi đang phát triển kinh doanh. Grab là đơn vị tiên phong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Việc gọi xe trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu được phát triển rộng hơn, chúng tôi cam kết sẽ phát triển tốt hơn nữa để phục vụ 93 triệu người Việt Nam, tạo môi trường làm ăn kinh doanh sôi động trên lãnh thổ Việt Nam" - CEO Grab Việt Nam thuyết phục.
Luật sư của Grab cũng cho rằng DN này không có hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải và đề án thí điểm. Luật sư nhận định Vinasun khởi kiện nhưng không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh bị đơn vi phạm pháp luật.
Grab giải trình muốn bảo đảm an toàn cho khách hàng và tài xế nên mua bảo hiểm cho toàn chuyến đi. Bên cạnh đó, Grab khẳng định hợp tác kinh doanh với hơn 300 đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã với số lượng xe lớn và cước phí là do các hợp tác xã xác định. Luật sư của Grab nói Vinasun đưa ra thông tin không có chứng cứ, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN này.
Phản ứng lại, luật sư của Vinasun khẳng định khởi kiện Grab là đúng pháp luật và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền là 41,2 tỉ đồng. Vinasun cho rằng Grab không phải là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối như họ trình bày tại tòa và giải trình với các cơ quan chức năng. Thực tế, Grab đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước, điều chỉnh tăng - giảm giá cước, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Việc này là hoạt động của DN kinh doanh vận tải taxi, không phải là hoạt động của DN cung cấp phần mềm ứng dụng gọi xe. Vinasun cáo buộc hoạt động của Grab làm cho lượng khách hàng của hãng này tụt giảm, kéo theo hàng ngàn xe nằm bãi, thất thu.
Vinasun yêu cầu TAND TP HCM định danh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, không phải là DN kinh doanh phần mềm. Trong quá trình thực hiện đề án thí điểm, Grab đã có hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh taxi trái phép. Chính vì vậy, Vinasun yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện "đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" và yêu cầu tòa buộc Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng, thanh toán một lần.
Vinasun nói rằng do Grab có những hành vi vi phạm đề án thí điểm nên đề nghị HĐXX kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải dừng thí điểm đối với Grab.
Bình luận (0)