Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Hợp đồng đủ sức thuyết phục?
Liên quan đến việc Sacombank, TPBank, BIDV cho 29 lượt công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay tiền, Cơ quan CSĐT khẳng định quá trình thu thập chứng cứ, lấy lời khai không phát sinh tình tiết mới. Do đó, Cơ quan CSĐT giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây đối với nhóm đối tượng liên quan đến 3 ngân hàng trên.
Các hợp đồng tín dụng giữa 3 ngân hàng với những công ty "sân sau" của Phạm Công Danh có đủ hiệu lực pháp lý trong việc thực hiện nghiệp vụ cho vay theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tất cả hợp đồng bảo lãnh mà VNCB ký kết với 3 ngân hàng nhằm bảo lãnh 29 lượt vay vốn chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn của khách hàng. Cụ thể, phía bảo lãnh - VNCB chỉ có một chữ ký của ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB, mà không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định cho khoản bảo lãnh.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT cho rằng chiếu theo quy định hiện hành, các hợp đồng bảo lãnh trên vẫn có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng đủ khả năng ràng buộc trách nhiệm đối với các bên ký kết.
Không bóc tách thêm về 4.500 tỉ đồng
Về yêu cầu là rõ khoản tiền 4.500 tỉ đồng (giai đoạn điều tra trước đó chưa làm rõ), Cơ quan CSĐT kết luận VNCB sử dụng số tiền trên vào những mục đích cụ thể (có chứng từ, giấy tờ chứng minh). Trong đó, VNCB giải ngân 2.500 tỉ đồng cho công ty "sân sau" do Phạm Công Danh thành lập vay vốn; chuyển 400 tỉ đồng cho Công ty Hương Việt thuê trụ sở số 816 Sư Vạn Hạnh (đã giải quyết trong giai đoạn 1 của vụ án). Tính đến ngày 26 - 7 - 2014, số dư thực tế tại VNCB là hơn 2.738 tỉ đồng.
Phạm Công Danh đề nghị làm rõ về khoản tiền 4.500 tỉ đồng đã chuyển về VNCB để giảm mức thiệt hại
Kết luận điều tra bổ sung chưa nhắc đến việc xác minh rõ hơn về khoản thiệt hại tại VNCB.
Căn cứ kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT giữ nguyên đề nghị truy tố Phạm Công Danh và 45 đồng phạm, tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Sắp tới, TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Trước đó, tại tòa, Phạm Công Danh khai đã chuyển 4.500 tỉ đồng về VNCB để tăng vốn điều lệ. Đây là khoản tiền vay từ 3 ngân hàng nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Theo tài liệu, số tiền trên đã chuyển về VNCB và được VNCB sử dụng.
Nếu vậy, Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng. Trong số 6.000 tỉ đồng đó, Danh đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào VNCB. Theo đó, cần xác định lại khoản tiền VNCB thất thoát.
HĐXX nhận định cần bóc tách, làm rõ về khoản tiền 4.500 tỉ đồng, từ đó xác định lại thiệt hại của VNCB. Do đó, TAND TP HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án.
VKSND Tối cao yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ những nội dung sau:
- Bổ sung, củng cố tài liệu, chứng cứ đối với các đối tượng liên quan trong vụ án chưa khởi tố (nếu có căn cứ) để xác định diện cần xử lý hình sự, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm.
- Làm rõ việc VNCB ký hợp đồng bảo lãnh cho 29 lượt vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV.
- Tại thời điểm khởi tố, bắt tạm giam Phạm Công Danh và đồng phạm (ngày 26 - 7 - 2014) thì VNCB có bao nhiêu tiền, những khoản tiền gì, đang ở đâu, các khoản nợ phải thu, phải trả là bao nhiêu? Trong đó, nợ phảo thu đối với những ai, nợ phải trả cho ai? Trên cơ sở đó kết luận rõ 4.500 tỉ đồng (Phạm Công Danh khai đây là số tiền vay 3 ngân hàng, đã chuyển về VNCB để tăng vốn điều lệ) được sử dụng cho VNCB như thế nào? Phạm Công Danh và đồng phạm sử dụng bao nhiêu? Có còn ở VNCB hay không?
Bình luận (0)