xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VỤ ÁN Gian lận điểm thi Hà Giang: Luật sư đề nghị điều tra mở rộng vụ án

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Đại diện VKSND cũng cho rằng vụ án này chưa dừng lại ở việc truy tố và xét xử 5 bị cáo. Các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh

Ngày 18-10, ngày thứ 5 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án trong ngày 25-10.

Chạy điểm 500 triệu đồng/suất từ năm 2017?

Bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự tại tòa vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vấn đề công tác điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trước đó, bị cáo Triệu Thị Chính khai đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT, về việc năm 2017 đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác thi cử. Bản thân ông Sử cũng thừa nhận bị cáo Chính có báo cáo sự việc này. "Đề nghị HĐXX ngay tức khắc giữ lại toàn bộ bài thi của năm 2017 để mở một cuộc điều tra toàn diện, khách quan và công tâm" - luật sư Hướng nói.

VỤ ÁN Gian lận điểm thi Hà Giang: Luật sư đề nghị điều tra mở rộng vụ án - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (phía trước) và Vũ Trọng Lương (sau)

Theo luật sư Hướng, căn cứ tài liệu, thông tin mà các luật sư nắm được, trước khi vụ án sửa điểm thi năm 2018 bị phát hiện thì trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 ở tỉnh Hà Giang, có 2 thí sinh xếp vào loại "cá biệt" là Sùng Văn Đ. và Nguyễn Văn T. ở huyện Xín Mần nhưng lại thi đỗ vào trường công an. Hai thí sinh này được chạy điểm với giá khoảng 500 triệu đồng. Vì vậy, trước mắt, kiến nghị HĐXX xem xét, điều tra 2 thí sinh này.

Đối với vụ án đang xét xử về vụ gian lận thi cử năm 2018, luật sư Hướng kiến nghị mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan vật chất, đặc biệt là tiền. Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm.

Còn theo đại diện VKSND và các luật sư, trong số những người "nhờ vả" bị cáo Chính, có bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính tỉnh Hà Giang, vợ ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) đã 3 lần nhắn tin "nhờ vả" bị cáo Chính.

Luật sư Hướng cũng đặt vấn đề nếu coi bị cáo Chính nhờ nâng điểm trong vụ án này thì còn rất nhiều người nhờ nâng điểm. Theo nội dung đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm đã vào các trường công an và quân đội, nên phải mở rộng điều tra vấn đề này.

Đại diện VKSND cũng cho rằng vụ án chưa dừng lại ở việc truy tố và xét xử 5 bị cáo. Các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, nếu có căn cứ vi phạm pháp luật sẽ xử lý.

"Không ngờ nhận kết cục cay đắng"!

Sau hơn 1 ngày tranh luận, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương tỏ ra ăn năn hối cải về những hành vi sai trái, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về lại cộng đồng.

Bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng 107 thí sinh được nâng điểm vượt ngoài sự kiểm soát của cá nhân. Bị cáo nhận sai về việc mình đã làm nhưng khẳng định không phạm tội, mong HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, bảo đảm quyền lợi cho bị cáo. Bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nói: "Gần 40 năm công tác, tôi không nghĩ sẽ phải nhận cái kết cay đắng như thế này". Bị cáo Khuông mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bản thân và các bị cáo khác. Bị cáo Lê Thị Dung, cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang, thừa nhận đã làm sai, đồng ý với truy tố của VKS. Bị cáo rất ân hận vì đã tự làm mất tất cả danh dự và nghề nghiệp; mong tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa sai, chữa bệnh.

Trả hồ sơ vụ gian lận điểm thi ở Sơn La

Ngày 18-10, TAND tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đồng thời kiến nghị điều tra một số tình tiết chưa thể làm rõ tại tòa trong vụ gian lận điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La năm 2018.

Theo TAND tỉnh Sơn La, có căn cứ cho rằng ngoài hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ mà VKSND truy tố, các bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà Bộ Luật Hình sự quy định là tội phạm. Ngoài ra, cũng có căn cứ cho rằng có đồng phạm khác, người khác thực hiện hành vi tội phạm nhưng chưa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

HĐXX đề nghị điều tra làm rõ động cơ, mục đích các bị cáo khi nâng điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố tội "Môi giới hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ". TAND tỉnh Sơn La cũng đề nghị làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận đưa, nhận khoản tiền của các bị cáo và người liên quan để xác định có hay không hành vi phạm tội.

HĐXX còn yêu cầu trưng cầu ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm; việc niêm phong bài thi như thế nào, ở thời điểm nào..., từ đó làm rõ trách nhiệm các đối tượng có liên quan.

TAND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các ông Đinh Văn An, Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn và Trần Xuân Yến trong việc niêm phong, mở niêm phong phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.

Ng.Hưởng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo