xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ án nhà báo Hoàng Hùng: Ba “nút thắt” phải tháo gỡ

Nhóm phóng viên thời sự

Đây là lần thứ 2 hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại được trả về Công an tỉnh Long An để điều tra bổ sung

Sau một thời gian nghiên cứu, cho rằng hồ sơ vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại có nhiều nội dung chưa được làm rõ nên không thể tiến hành xét xử, ngày 11-1, TAND tỉnh Long An đã ra quyết định trả hồ sơ sang VKSND cùng cấp để làm thủ tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An điều tra lại.
Cuối tháng 1-2012, lãnh đạo VKSND tỉnh Long An đã ký quyết định trả hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra. Như vậy, đây là lần thứ 2 hồ sơ vụ án bị trả lại (trước đó, ngày 23-8-2011, VKSND tỉnh Long An cũng đã một lần trả hồ sơ), điều này cho thấy kết quả điều tra của Công an tỉnh Long An còn quá sơ sài, nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án bị bỏ qua.

Làm rõ có đồng phạm hay không

Trong quyết định trả hồ sơ, TAND, VKSND tỉnh Long An yêu cầu cơ quan điều tra phải làm rõ 3 vấn đề quan trọng liên quan đến vụ án.

Thứ nhất, lời sinh cung của nạn nhân Lê Hoàng Hùng khi anh còn sống theo kết luận điều tra bổ sung ngày 26-9-2011 đã được cơ quan điều tra ghi âm, sang đĩa nhưng không thể hiện trong hồ sơ vụ án. Do đó, tòa đề nghị thu thập, nếu có liên quan thì làm rõ còn không liên quan thì loại trừ.

img
Vợ chồng cố nhà báo Hoàng Hùng (thứ nhất và thứ hai từ trái sang)
hạnh phúc trong ngày đám cưới của em trai mình. Ảnh do gia đình cung cấp

Thứ hai, các cuộc điện thoại và nhắn tin giữa bị can Trần Thúy Liễu (vợ cố nhà báo Hoàng Hùng) và ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 Chi cục QLTT tỉnh Long An) trước, trong và sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại hồ sơ chưa thể hiện. Cần thiết phải làm rõ nội dung các cuộc trao đổi này, nếu cần cơ quan điều tra phải trưng cầu các tổng đài điện thoại để làm rõ nội dung các cuộc trao đổi giữa ông Tâm và bà Liễu xem có liên quan gì đến vụ án.

Thứ ba, trong kết luận điều tra bổ sung ngày 26-9-2011 do đại tá Đỗ Thanh Phong, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An, ký nhận định: Xuất phát từ việc Lê Hoàng Hùng ghen tuông, mặc khác do thiếu nợ nên bà Liễu yêu cầu chồng bán nhà trả nợ nhưng anh Hùng không đồng ý nên thường hay cự cãi và đánh Liễu vô cớ, từ đó Liễu nảy sinh ý định giết chồng.
Tòa nhận định nếu đốt chồng sẽ cháy tài sản trong nhà, có khả năng cháy nhà của những hộ lân cận vậy ý thức đốt và chữa cháy sẽ như thế nào? Bà Liễu có bàn bạc với ai về việc này hay không, cần thiết phải làm rõ.

Phải công khai lời sinh cung

Vì sao qua hai lần điều tra, cơ quan điều tra không đưa nội dung bản sinh cung của nạn nhân vào trong hồ sơ vụ án vì cho rằng “chưa phát hiện gì liên quan đến vụ án” (!?). Phân tích, một chuyên gia ngành luật cho rằng lời sinh cung của nạn nhân không thể không liên quan vụ án, vấn đề là mức độ liên quan đến đâu.
Việc cơ quan điều tra bỏ ngoài hồ sơ lời sinh cung của nạn nhân khai trước khi chết không những tạo nên mối ngờ vực lớn về hướng điều tra mà còn thể hiện họ thiếu tôn trọng quy định của pháp luật. Lẽ ra, việc thu thập và cung cấp tài liệu này là trách nhiệm cơ quan điều tra cần làm, còn việc nó có được xem là chứng cứ liên quan vụ án hay không, đó là đánh giá của tòa án.
Hơn nữa, điều quan trọng mà ai cũng biết đó là lời khai của nhà báo Hoàng Hùng được cơ quan điều tra ghi trong khoảng thời gian anh đang đối diện với cái chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vậy công an đã hỏi nạn nhân những gì vào thời điểm nhạy cảm đó, năng lực điều tra của họ như thế nào mà nội dung của lời sinh cung lại “không liên quan đến vụ án”?!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng lời nói của nạn nhân trước khi mất, nếu được thu thập bởi cơ quan điều tra có thể coi là cơ sở hình thành tài liệu chứng cứ. Vấn đề đặt ra ở đây là nó có phải là quan trọng của vụ án hay không.
Lời sinh cung sẽ được coi là chứng cứ có ý nghĩa quan trọng khi nếu thiếu nó, hoặc không xem xét tới nó thì vụ án sẽ không khách quan, không bảo đảm căn cứ cho việc giải quyết vụ án một cách đúng pháp luật.
Chứng cứ liên quan đến lời sinh cung qua thu thập phải có biên bản xác lập lời khai vì nó liên quan đến người bị hại, nó có khả năng chứng minh có hay không hành vi và ai là người thực hiện tội phạm, có thể làm rõ được thời gian, địa điểm phạm tội. Về nguyên tắc, nó phải được ghi nhận và đưa vào hồ sơ vụ án để xem xét, đánh giá bảo đảm tính khách quan.

Cần xem xét toàn diện vụ án

Đối với những liên lạc giữa bà Liễu với ông Tâm, luật sư Phan Trung Hoài nói các thông tin giữa bị cáo và người có liên quan cũng là một nguồn chứng cứ, cần phải được tiến hành thu thập theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Nếu có sự mâu thuẫn hoặc bị phủ nhận, cơ quan tố tụng phải tổ chức đối chất giữa các đối tượng này.

“Việc cơ quan điều tra xác định giữa bà Liễu và ông Tâm có nhiều cuộc liên lạc điện thoại ở thời điểm trước, trong và sau vụ án nhưng không làm rõ nội dung, chứng tỏ “nút thắt” quan trọng thứ 2 cũng bị bỏ qua trong quá trình tiến hành thủ tục tố tụng. Số máy điện thoại có, thời điểm liên lạc có, việc còn lại chỉ là trưng cầu nội dung qua dịch vụ viễn thông-quá đơn giản đối với cơ quan điều tra. Vậy tại sao họ không làm?!” - một thẩm phán công tác tại TAND Tối cao đặt vấn đề.

Luật sư Phan Trung Hoài còn cho rằng: “Trong vụ nhà báo Hoàng Hùng, cần phải xem xét, đánh giá toàn diện để xem có sự bỏ sót, không đưa vào hồ sơ chứng cứ nào hoặc có sự sửa chữa, thêm-bớt nội dung hồ sơ hay không. Nếu có là thể hiện vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng quy định tại điểm l, khoản 2, điều 4 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 27-8-2010 giữa VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an”.

Điều tra hơn năm vẫn chưa xong

Đêm 19-1-2011, nhà báo Hoàng Hùng đang ngủ tại nhà riêng thì bị phóng hỏa, 10 ngày sau tử vong. Ngày 20-2-2011, bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) ra đầu thú và thừa nhận chính mình sát hại chồng.
Ngày 20-7-2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An ra kết luận điều tra lần thứ nhất nhưng nội dung rất sơ sài, chưa làm rõ các tình tiết quan trọng của vụ án nên VKSND tỉnh có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ngày 26-9-2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An có bản kết luận điều tra bổ sung, đến ngày 20-10-2011, VKSND Long An ban hành cáo trạng, chuyển TAND cùng cấp quyết định truy tố bà Trần Thúy Liễu tội “Giết người”, không có đồng phạm. Tuy nhiên qua nghiên cứu, TAND lại tiếp tục trả hồ sơ.

Theo quy định tại điều 121 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra phải có kết luận điều tra bổ sung trong vòng một tháng kể từ ngày tòa án trả hồ sơ. Như vậy, chỉ còn chưa đầy một tháng, dư luận sẽ được biết Công an tỉnh Long An có làm rõ được những nội dung quan trọng liên quan đến vụ án hay vẫn bỏ qua một cách đáng ngờ như trước đây.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo