Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Nguyễn Văn Đức (bìa phải) đặt vấn đề: “Hơn 1 lít xăng liệu có thể cháy như vậy...”. Đại diện VKSND tỉnh Long An đối đáp: “Đó là suy nghĩ riêng của luật sư thôi”. Ảnh: Tấn Thạnh
VKS đối đáp “cầm chừng”
Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Biển Đông, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ nhà báo Hoàng Hùng) đặt hàng loạt câu hỏi, như: Hiện trường có ít nhất 2 điểm cháy, nghi vấn về hiện trường vụ cháy do hai mồi lửa hay một mồi lửa; thực nghiệm hiện trường không thể hiện rõ tư thế ném xăng của bị cáo Liễu có gây ra vụ cháy như thực tế xảy ra hay không; xem xét lại lời khai của bị cáo về động cơ, mục đích gây án; có hay không việc cửa tầng trệt tối 18-1-2011 đã bị kẻ gian mở; chiếc quẹt gas màu trắng vì sao có mặt tại hiện trường và sau đó biến mất một cách lạ lùng trong hồ sơ; chiều dài sợi dây dù mà bị cáo dùng làm hiện trường giả; việc chứa xăng trong bịch ni lông và cất vào tủ quần áo của nhà báo Hoàng Hùng chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”; lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng và biên bản mở băng ghi âm khác nhau cũng như nội dung tin nhắn, điện thoại từ số máy bà Liễu đến ông Nguyễn Văn Tâm và một số người khác trước, trong và sau khi xảy ra vụ án không được thu thập kịp thời…
Tòa nhận định không thuyết phục
Câu hỏi của HĐXX cấp sơ thẩm không toát lên một sự sắc sảo cần thiết để làm rõ những nghi vấn, dẫn đến cùng sự thật của vụ án; ngược lại có không ít câu hỏi khiến người nghe có cảm nhận dường như hướng bị cáo trả lời đúng “bài bản” đã được chuẩn bị kiểu như: “Như vậy không ai xúi giục, tự bị cáo suy nghĩ, bị cáo làm. Vậy mâu thuẫn gia đình là mâu thuẫn gì dẫn đến bị cáo hành động như vậy?”, “Có cự cãi không? Bị cáo có khai là cự cãi nhau?”, “Hù dọa bằng cách nào?”, “Bị cáo có nghĩ xăng đốt nhiều có chết không?”, “Bị cáo nghĩ sao mà chồng cực khổ còn bị cáo lại cờ bạc. Theo bị cáo khai đánh bạc ở Campuchia khoảng hai mươi mấy lần có đúng không?”, “Mâu thuẫn giữa bị cáo và anh Hùng do bị cáo ngoại tình, đánh bạc, trong nhà còn thiếu nợ khoảng 1 tỉ đồng, đúng không?”…
Chiều nay (22-6), vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại sẽ được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy, chủ tọa phiên tòa. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ nhà báo Hoàng Hùng tại phiên tòa phúc thẩm là luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Biển Đông) và luật sư Nguyễn Văn Bảy (Văn phòng Luật sư Quang Luật). |
Luật sư Nguyễn Thành Tài, Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang: Khả năng bỏ lọt người, lọt tội rất cao Đọc kỹ hồ sơ vụ án, tôi thấy việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ vụ án của CQĐT là chưa toàn diện. Thực nghiệm điều tra rất bất hợp lý, một người vừa xé tờ báo kẹp dưới chân, tay cầm bịch xăng, tay cầm quẹt rồi chụp hình đưa vô hồ sơ mà nói đúng theo trình tự thì không ổn.
Một thiếu sót khác là mẩu tấm nệm không còn trong vật chứng, kết luận giám định tấm nệm cũng không có... Những điều này nếu không được làm sáng tỏ thì khả năng bỏ lọt người, lọt tội rất cao, trong khi CQĐT cứ “lờ” đi những kiến nghị của luật sư.
Sự thất vọng của mẹ nhà báo Hoàng Hùng sau khi nghe HĐXX TAND tỉnh Long An tuyên án tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Xuân Thảo Nhà báo Hoàng Hùng bị giết là rõ ràng nhưng một mình bà Liễu có thể thực hiện được không, CQĐT chưa trả lời thuyết phục. Chứng cứ là lời sinh cung của nạn nhân, ban đầu CQĐT cho rằng không liên quan đến vụ án thì tại sao không công bố hết nội dung biên bản mà “cắt khúc” là có vấn đề gì? Rồi trường hợp ông Nguyễn Văn Sữa (anh rể bị cáo Liễu) leo qua ban công nhà theo như ông Sữa kể tại sao không cho thực nghiệm điều tra? Đây là mấu chốt quan trọng để lý giải vì sao ông Sữa có mặt ngay lúc vừa cháy và leo qua, leo lại hai lần... |
Bình luận (0)