Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tống đạt quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương); Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn); Nguyễn Quang Lộc (cựu phó phòng quan hệ khách hàng) và 5 người khác trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
Vụ án được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố từ năm 2018. Đây là vụ án được khởi tố và xử lý theo đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Hiệp Hòa – là con ruột của bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH SXTM An Tây).
Sau khi bán hết tài sản cho ông Khanh, bà Hồ Thị Hiệp bị bệnh và chết vào ngày 11-8-2016.
Phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hồng Khanh tại TAND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Châu Loan
Tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 5-2021, TAND cấp cao TP HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương để điều tra lại.
Cấp xét xử phúc thẩm nhận định với các chứng cứ đã thu thập trong vụ án chưa đủ cơ sở để xác định tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí trong vụ án này có nguyên nhân từ sự bàn bạc, thỏa thuận vì động cơ vụ lợi của các bị cáo và bà Hồ Thị Hiệp; hoặc bị o ép nhằm chiếm đoạt tài sản như đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bà Hiệp, bị cáo Khanh, bị cáo Lộc ký hợp đồng chuyển nhượng ba bên là căn cứ thể hiện hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là chưa đủ cơ sở. Cấp phúc thẩm cho rằng lời khai của ông Nguyễn Hữu Trọng (người làm chứng) là tình tiết rất quan trọng giúp xác định bản chất của vụ án, tuy nhiên Cơ quan CSĐT chưa cho đối chất, làm rõ.
Bên cạnh đó, diện tích đất mà bà Hiệp thỏa thuận chuyển nhượng cho bị cáo Khanh – được sự đồng ý của bên nhận thế chấp là Ngân hàng BIDV, là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với ngân hàng BIDV hay đó là tài sản nhà nước, chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.
Đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, quá trình chuyển nhượng (thông qua người môi giới - người làm chứng trong vụ án), bà Hiệp và bị cáo Khanh đã tìm hiểu về giá cả, thỏa thuận giá cả, đồng thời được sự thể hiện đồng ý của phía đang nhận thế chấp là Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn, để sau đó mới tiến hành thủ tục. Tại các văn bản xin bán tài sản thế chấp gửi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn, bà Hiệp đều nêu việc bán cho ông Khanh sẽ được giá cao hơn.
Cạnh đó, cấp phúc thẩm cho rằng việc cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương tách một số hành vi liên quan trong vụ án này để xử lý bằng một vụ án khác là không phù hợp và trái với quy định pháp luật. Thiếu sót này đã ảnh hưởng tới việc xác định bản chất của vụ án, dẫn tới việc giải quyết vụ án thiếu tính toàn diện và triệt để.
Đến nay, sau 2 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với các bị can với lý do đã "hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng vụ án đã được tạm đình chỉ điều tra có thể diễn ra theo 1 trong 3 hướng được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 1-6-2020 của Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Căn cứ vào tình tiết vụ án và các quy định pháp luật, vụ án này có khả năng sẽ được phục hồi điều tra sau khi có kết luận giám định.
Tại thời điểm hiện tại, vụ án vẫn chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như không có căn cứ đình chỉ điều tra, trừ khi rơi vào trường hợp đình chỉ điều tra quy định tại Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Trình tự, thủ tục phục hồi điều tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Cụ thể, vụ án sẽ được điều tra tiếp với thời hạn không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 3 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.
Trường hợp cần gia hạn điều ra do vụ án có tính chất phức tạp thì cơ quan điều tra có thể đề nghị VKSND gia hạn điều tra với từng mức thời hạn gia hạn khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm như đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 1 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 3 tháng.
Bình luận (0)