Sáng nay, 13-7, sau 4 ngày xét xử, TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hai bị cáo: Bùi Thị Kiên Hà (SN 1975, quê ở tỉnh Kiên Giang, được tại ngoại) và Phạm Khắc Đại Điền (SN 1976, nguyên Giám đốc phòng giao dịch Thanh Niên - Chi nhánh Agribank Hùng Vương, TP HCM) cùng thực hiện.
Nguyên nhân trả hồ sơ ở phiên xử sơ thẩm lần 2 này được HĐXX đưa ra là còn nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ.
Cụ thể, việc Agribank có trả lãi cho những người gửi tiền cũng như việc bị cáo Điền khai có chuyển toàn bộ hồ sơ mở tài khoản cho kế toán ngân hàng đều chưa được xác minh.
Ngoài ra, quá trình điều tra cũng chưa làm rõ tình tiết hai bị cáo bàn bạc, thỏa thuận về việc huy động vốn, mở tài khoản hay cách thức ăn chia giữa hai người. Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra lại.
Liên quan đến vụ án này, ở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, Bùi Thị Kiên Hà nhận mức án chung thân với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Phạm Khắc Đại Điền bị phạt 12 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai bị cáo đồng thời gửi đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên bố hủy bản án sơ thẩm.
Năm 2009, Bùi Thị Kiên Hà, là Giám đốc của Công ty TNHH Một thành viên Đại Việt Bảo và Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân Thuận, ký hợp đồng nhập khẩu phân bón và hợp đồng mua mỹ phẩm có giá trị thanh toán lớn.
Tuy nhiên, do không có vốn kinh doanh nên Hà chỉ ký hợp đồng mua bán dưới hình thức đặt cọc và nhận tiền cọc nhưng không nhập hàng vào kho. Sau đó, Hà lấy tiền hàng của hợp đồng kinh tế này thanh toán cho hợp đồng kinh tế khác.
Tháng 11-2009, Công ty Âu Lạc Việt chuyển khoản cho Hà 16,2 tỉ đồng. Hà dùng số tiền này để trả nợ cũ. Sau đó, để có tiền trả cho Công ty Âu Lạc Việt, Hà bàn với Điền (lúc này đang làm Giám đốc phòng giao dịch Thanh Niên - Chi nhánh Agribank Hùng Vương) nhờ giúp bảo lãnh và không phong tỏa tài khoản tiền gửi đồng sở hữu của Hà với khách hàng. Qua đó, Hà lừa dối đối tác vay tiền rồi rút ra sử dụng.
Sau khi thống nhất kế hoạch, Hà bắt đầu huy động vốn chuyển vào tài khoản mở tại PGD Thanh Niên. Hồ sơ tiền gửi, tài khoản của Hà do Điền trực tiếp quản lý. Theo như kế hoạch, sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Hà, Điền không ra lệnh phong tỏa nhằm tạo điều kiện cho Hà rút tiền ra sử dụng.
Với thủ đoạn thỏa thuận vay tiền chỉ dùng để duy trì và xác nhận số dư trong tài khoản không rút ra sử dụng, có sự bảo lãnh, phong tỏa tài khoản của ngân hàng, Hà và Điền đã chiếm đoạt 30 tỉ đồng của 4 nạn nhân.
Bình luận (0)