"Không hiểu tại sao công an kết luận như thế?" - Anh Nguyễn Văn Khôi (con trai nạn nhân) - Ảnh: Trung Tân
“Vụ việc với những chứng cớ rành rành, còn nhiều nhân chứng sống ở đây và khai không biết bao nhiêu lần trước cơ quan công an là họ thấy mẹ tôi xin Nguyễn Đình Sơn cứu nhưng anh này thấy mẹ tôi chết mà không cứu. Giờ không hiểu tại sao công an kết luận như thế?” - anh Nguyễn Văn Khôi, con của nạn nhân Phạm Thị Ngắn (trú tại buôn H’Drát, Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), bức xúc.
Gặp lại nhân chứng
Viện kiểm sát chưa nhận được quyết định Một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột cho biết vẫn chưa nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra. Về nguyên tắc, theo vị cán bộ này, ngay sau khi có quyết định, cơ quan điều tra phải gửi ngay cho viện. Trong khi đó, theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự được ký ngày 11-2. T.THI |
Tiếp xúc với chúng tôi ngày 25-2, các nhân chứng là chị Giang Thị Bích Điệp và chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (trú tại buôn H’Drát) cho hay những gì họ khai với cơ quan cảnh sát điều tra đều giống thông tin hai chị cung cấp cho báo chí trước đây, không hề sai lệch gì cả.
Hai nhân chứng trực tiếp nhìn thấy vụ việc tái khẳng định hai chị đã thấy anh Nguyễn Đình Sơn - người làm thuê và quản lý đàn chó - đứng ở gốc dừa cách đó không xa và họ đã gọi rất to.
Một lúc sau, anh Sơn đi lại thì họ gào thét to hơn để anh Sơn cứu bà Ngắn, đồng thời bà Ngắn cũng van xin anh Sơn nhưng anh Sơn bảo: “Ai nhủ vào mót cà phê cho chó cắn chết” rồi bỏ đi.
“Lúc đó tôi hoảng quá chạy lên cây keo để tránh đàn chó thì thấy anh Sơn đứng chỗ mấy cây dừa cách đó không xa. Dù khi ấy không nhìn rõ mặt nhưng tôi có thể nhận ra dáng của anh này vì anh hay lên quán nhà tôi mua hàng, tôi có thể khẳng định đó là anh Sơn. Nhưng khi cán bộ điều tra nói với tôi là “phải khai cho đúng đó có phải anh Sơn không, nếu sai tôi sẽ phải chịu tội”, tôi bấn quá nên không dám khẳng định.
Tuy nhiên, khi tôi kêu được một lúc thì anh Sơn đi lại chỗ bãi đá (cách hiện trường khoảng 20m), tôi đã thấy rõ người đứng ở gốc dừa là anh Sơn. Chúng tôi cùng kêu và van xin nhưng anh Sơn đã lạnh lùng bỏ đi dù biết chó cắn chết cô Ngắn!” - chị Nguyễn Thị Thanh Trâm nói.
“Chúng tôi cũng đâu có thù oán với anh Sơn hay gia đình ông Thành mà nói thêm nói bớt. Thấy sao thì tôi nói vậy. Khi sự việc xảy ra tôi đứng trên cây sầu riêng gần nơi cô Ngắn chết có vài ba mét. Thấy anh Sơn, tôi gào khan cổ và gọi điện cầu cứu khắp nơi.
Chúng tôi khẳng định anh Sơn có mặt và chứng kiến việc mấy con chó bẹcgiê cắn chết cô Ngắn mà không cứu. Cán bộ điều tra hỏi chúng tôi liên tục hàng chục lần và chúng tôi khẳng định bấy nhiêu lần là có anh Sơn tại hiện trường khi chó đang cắn cô Ngắn. Vậy mà trong kết luận điều tra lại nói khác” - chị Giang Thị Bích Điệp cho biết.
Các nhân chứng (từ trái qua): Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Vũ Thị Huê - Ảnh: T.T.
Lời kể của người ở cổng sau
Chúng tôi tìm gặp chị Vũ Thị Huê (trú tại buôn H’Drát), người ở nhà đối diện với cổng sau rẫy của gia đình ông Phạm Ngọc Thành - bà Nguyễn Thị Hòe, cũng là người cùng với hai con gái có đi mót cà phê vào chiều hôm xảy ra án mạng.
Chị Huê nói: “Trước đó, cổng sau rẫy chỉ có rào một làn lưới B40, làn lưới thường không đóng nên chúng tôi mới vào mót cà phê được. Trước ngày xảy ra vụ việc không có hai bảng ghi: “Rẫy ông Thành 507, ai tự ý vào rẫy chó bẹcgiê cắn chủ rẫy không chịu trách nhiệm” và “Chó dữ, vào rẫy phải có người dẫn”. Hai bảng này được dựng lên ngay ngày đi chôn bà Ngắn”. Bà Huê nói thêm: “Tôi chứng kiến họ chôn bảng và cãi nhau”.
Bà Huê kể: “Bà Ngắn và mấy người kia đi vào được khoảng 20 phút thì mẹ con tôi cũng theo vào lô để mót cà. Gặp anh Sách (người làm thuê trong rẫy bà Hòe và ông Thành) thì anh ấy nói: “Thôi đừng mót nữa, về đi chứ thằng Sơn nó thả chó rồi đấy!”. Chúng tôi cứ nghĩ họ chỉ dọa nên vào tiếp để mót. Mới đi được mấy mét thì gặp anh Sơn đang ngồi xổm dưới gốc cây cà phê.
Hai con chó bẹcgiê to và một con chó lai nhỏ đang nằm rất ngoan bên chân anh Sơn. Vì Sơn và nhà tôi quen nhau nên anh ấy nói chúng tôi về đi, không chó nó cắn. Tôi nói là anh phải dắt mẹ con tôi ra thì chúng tôi mới dám ra - bà Huê kể tiếp - Trước đó một vài hôm, anh Sơn vẫn dọa không cho mọi người vào mót. Anh Sơn nói sẽ cho người ném đá vào những ai đi mót cà phê. Anh ta còn dọa thêm nếu ném đá mà vẫn cứ mót cà phê thì sẽ thả chó ra cắn chết”.
Luật sư Huỳnh Văn Nông: Phải chờ ý kiến của Viện kiểm sát Theo quy định của luật pháp, trong vụ việc chó bẹcgiê cắn người ở Đắk Lắk, chúng ta cần chờ xem Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột có ý kiến như thế nào. Trường hợp Viện kiểm sát cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra rõ ràng là không có căn cứ thì Viện kiểm sát có thể hủy bỏ quyết định này và ra quyết định khởi tố vụ án. Còn trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thống nhất với quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra, gia đình nạn nhân có thể gửi khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột để được xem xét giải quyết. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày gia đình nạn nhân nhận hoặc biết được quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng (điều 328 BLTTHS). Trường hợp khiếu nại không được giải quyết trong thời hạn bảy ngày (điều 329 BLTTHS) hoặc gia đình nạn nhân không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thì có thể khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk là giải quyết cuối cùng. |
Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đăng lại những nội dung chính thông báo gửi cơ quan báo chí của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột về vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn. Gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, ông Phạm Ngọc Thành, thường trú tại 128 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột, có nuôi một đàn chó bẹcgiê và lai bẹcgiê được chăn thả nhốt trong khuôn viên nhà vườn và rẫy với diện tích khoảng 30ha tại buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), trong đó có bốn con bẹcgiê nuôi nhốt trong chuồng và sáu con được chăn thả ở ngoài. Xung quanh rẫy có rào xây, có đào hào và lưới B40 bảo vệ. Ở cổng chính ra vào có biển cảnh báo chó dữ. Vào khoảng 13g30 ngày 21-1-2010 bà Phạm Thị Ngắn (sinh năm 1955), chị Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Nguyễn Thị Thanh Hương, chị Đặng Thị Thu Hương và Vũ Thị Kim Thúy (chị dâu của Trâm), đều trú tại buôn H’Drát, tự ý đi vào rẫy nhà bà Hòe thuộc lô Bột (tên của từng lô cà phê do gia đình bà Hòe đặt) để mót cà phê trong khi không được sự cho phép của chủ rẫy. Ngoài ra còn có bà Vũ Thị Huê và các con là cháu Mai Thị Thúy và cháu Mai Thị Thúy Nga (ở cùng buôn H’Drát) vào mót cà phê tại lô 04 gần đó. Trong thời gian này có các anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật là người làm thuê cho gia đình bà Hòe và ông Thành, đang tưới cà phê. Đến khoảng 14g45 cùng ngày thì bị mất điện, anh Sơn, anh Sách và anh Mật ra về, khi ra đến đầu lô 04 thì gặp ba mẹ con bà Vũ Thị Huê đang mót cà phê. Thấy vậy, cả ba anh yêu cầu ba mẹ con bà Huê đi ra khỏi rẫy, đồng thời dặn hôm sau đừng vào rẫy mót cà phê chẳng may bị chó cắn. Ba mẹ con bà Huê được các anh Sơn, Sách và Mật đi bộ đưa về. Đi được khoảng 30m, anh Sơn bảo anh Mật vào lô cà phê tháo ống nước ra, còn anh Sách về lấy xe công nông (xe càng tay) ra kéo ống nước. Đi thêm khoảng 20m, anh Sơn, anh Sách và ba mẹ con bà Huê nhìn thấy ba con chó lai bẹcgiê của gia đình bà Hòe, ông Thành nuôi thả ở ngoài đang nằm dưới gốc cà phê bên đường nhưng không có biểu hiện gì. Về gần đến nhà bà Huê, anh Sách đi vào lấy xe công nông, anh Sơn tiếp tục đưa ba mẹ con bà Huê đến nhà cách khoảng 20m. Quãng đường từ lúc anh Sơn đưa ba mẹ con bà Huê đi về khoảng 300m, về đến nhà bà Huê lúc này vào khoảng 15g cùng ngày. Sau đó anh Sơn đi bộ về rẫy nhà bà Hòe. Về đến nơi, anh Sơn mượn chiếc xe máy để đi thăm người thân đang bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Mượn được xe, anh Sơn đi tắm rồi quay ra chở anh Mật ở lô 04 về, còn anh Sách đi xe công nông ra lô 04 kéo ống nước trước đó. Anh Sơn chở anh Mật về đến sân thì điện có trở lại, anh Sơn quay xe máy chạy ra rẫy để đóng cầu dao điện. Khi đi đến khu vực gần mỏ đá thuộc lô Bột, anh Sơn nghe có tiếng người kêu trong lô cà phê. Anh Sơn chạy xe lại gần thì phát hiện được chị Giang Thị Bích Điệp đang đứng trên cây sầu riêng. Anh Sơn xuống xe đi vào gần đến chỗ chị Điệp thì nhìn thấy bà Phạm Thị Ngắn đã bị chết, da đầu bị lột để lộ hộp sọ. Trong lúc này chị Lê Thị Kim Loan là mẹ của Trâm gọi điện báo cho anh Sách biết có chó cắn người trong rẫy, chị Loan nhờ anh Sách tìm giúp con chị. Anh Sách vừa chạy đến nơi cũng thấy anh Sơn đi đến, Sơn bảo “có người chết rồi” và bảo anh Sách đưa chị Điệp ra khỏi rẫy. Lúc này Trâm, Hương, chị Thúy cũng chạy đến và được anh Sách đưa về. Sau khi xảy ra sự việc bà Phạm Thị Ngắn bị chó của gia đình bà Hòe, ông Thành cắn chết, ngày 22-1-2010, gia đình bà Hòe, ông Thành đã bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 120 triệu đồng. Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột có đủ cơ sở kết luận: bà Phạm Thị Ngắn bị chó cắn chết ngày 21-1-2010 không phải do gia đình bà Nguyễn Thị Hòe và anh Nguyễn Đình Sơn hoặc ai đó trong gia đình bà Hòe cố ý thả chó cắn người, hay anh Sơn thấy chó cắn người mà không cứu giúp trong khi có khả năng cứu giúp. Gia đình bà Hòe nuôi chó không giao cho ai là người nuôi và quản lý đàn chó. Khi xảy ra sự việc chó cắn bà Phạm Thị Ngắn không có mặt anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật cũng như những người khác trong gia đình bà Hòe ở đó thấy chó cắn mà không cứu giúp. Căn cứ khoản 1, điều 107, 108 BLTTHS, ngày 11-2-2010 Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột kết thúc điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. |
Bình luận (0)