Theo đó, nhóm 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng cho biết hoàn toàn đồng thuận với quan điểm luận tội của đại diện viện kiểm sát. Song nhóm luật sư mong muốn Toà xem xét về bối cảnh phạm tội của thân chủ của mình.
Bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng
Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay việc nhận tiền của bị cáo Dũng là thụ động "đưa bao nhiêu, biết bấy nhiêu". Theo đó, thân chủ của mình không hề có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.
Luật sư Tuyến cho rằng tại phiên tòa sáng 14-7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Minh Tuấn, cựu giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hoà, bị cáo Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: "Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này".
Luật sư của bị cáo Dũng cho rằng điều đó càng cho thấy, mặc dù thân chủ của ông nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái song lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan việc duyệt chủ trương cách ly.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư Trịnh Văn Tuyến chia sẻ ông là một trong những học trò đầu tiên, "đầu tay" của bị cáo Chử Xuân Dũng. Năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, bị cáo Dũng được phân công về Trường THPT Sóc Sơn công tác, giảng dạy. Tại đây, bị cáo Dũng "chính là người tiên phong đưa "ánh sáng" tin học, công nghệ thông tin về cho học trò, ở một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội".
Luật sư Trịnh Văn Tuyến tại phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng
"Với riêng cá nhân tôi, khi tham gia vụ án này, ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với ông Dũng tại Trại tạm giam B14 đã nhận được một câu nói rất đau lòng và bày tỏ sự hổ thẹn khi gặp lại học trò" - luật sư Tuyến nói và cho biết đây có thể là "bản án" nữa "vô cùng hà khắc" đối với bị cáo Dũng. Từ đó, luật sư Tuyến đề nghị hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan hơn nữa, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của bị cáo Chử Xuân Dũng trong vụ "Chuyến bay giải cứu".
Được tự bào chữa sau đó, bị cáo Chử Xuân Dũng cho rằng mình có hơn 25 năm công tác, khi nhận nhiệm vụ tại UBND TP phụ trách khối văn, xã rồi phụ trách công tác phòng chống dịch của Hà Nội. Công tác phòng chống dịch là công việc khó, chưa có tiền lệ, không chỉ khó cho người trong ngành y, chuyên gia, mà đối với bị cáo - người "ngoại đạo" là vô cùng khó. Nhưng bị cáo mới nhận nhiệm vụ, đã tập trung trí tuệ, công sức để làm tốt công việc.
Trong đó, làm tốt công tác cách ly, bị cáo Dũng nói luôn ý thức được việc này, nếu làm tốt sẽ cách ly được nguồn bệnh. "Quy mô của Thủ đô, với nhiều cơ quan ngoại giao, áp lực rất lớn, không thể để xảy ra sai sót; có những quyết định khi xong thì thấy đơn giản, nhưng cũng có quyết định khi xong nhìn đi nhìn lại chỉ có mấy anh em. Nếu quyết định mà chỉ nghĩ tới bản thân mình thì không làm được"- bị cáo Dũng trình bày.
Theo cựu phó chủ tịch Hà Nội, bản thân bị cáo là người có tội "đứng ở đây thực sự là đau đớn". "Trong quá trình chống dịch, bản thân tôi đã góp phần nhỏ bé đó, nhưng hôm nay đứng ở đây, tôi đã trở thành tội đồ của thành phố, tội đồ trong phòng chống dịch. Bị cáo mong hội đồng xét xử, các cơ quan tố tụng mở rộng khoan hồng, giúp bị cáo sớm trở lại với xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình"- bị cáo Chử Xuân Dũng chậm rãi nói.
Trước đó, viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Chử Xuân Dũng 4-5 năm tù vì đã nhận 2 tỉ đồng tiền hối lộ để ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước cách ly trên địa bàn TP Hà Nội.
Bình luận (0)