Ngày 17-7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đang đưa ra bản luận tội đối với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".
Bị cáo Phạm Trung Kiên được đưa tới phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng
Theo đại diện VKSND, vụ án này có số bị cáo bị khởi tố công tác ở nhiều bộ ngành, địa phương. Hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn xảy ra trong dịch COVID-19 bị dư luận lên án.
Trong đó, VKSND đánh giá hành vi nhận hối lộ của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) có "thủ đoạn trắng trợn nhất". Cụ thể, Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn cho các đại diện tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu. Kiên gây khó khăn để các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu "Bị cáo nhận hối lộ nhiều lần nhất, số tiền nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất".
Theo VKSND, khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội, Kiên đã chuyển trả lại tiền cho một số người và nhờ họ khai báo số tiền vay mượn cá nhân. Từ các nhận định trên, viện kiểm sát cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với cựu thư ký thứ trưởng.
Cũng theo đại diện VKSND, lời khai của Kiên phù hợp với lời khai nhiều bị cáo, những người liên quan và chứng cứ tài liệu khác về việc nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng.
Trong phần luận tội, Viện kiểm sát cho rằng, đối với các vấn đề phát sinh tại phiên tòa, qua hành vi của Phạm Trung Kiên, cần kiến nghị, điều tra làm rõ hành vi của thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên để xử lý trong giai đoạn hai của vụ án. Cùng với đó, VKSND đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên
Trước đó, tại phiên toà, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận đã nhận tiền "cảm ơn" 42,6 tỉ đồng từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Kiên một mực phủ nhận cáo buộc ra giá 150-200 triệu đồng để được cấp phép một chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.
Trong khi đó, bị cáo Đào Minh Dương, giám đốc Công ty Vijasun, cho biết bị cáo đã bị Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, và Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ép đưa tiền. "Khi gặp ở Bộ Y tế, Kiên quát, bảo các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu. Kiên nói tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến" - bị cáo Dương khai.
Theo Dương, khi bị cáo gặp bị cáo Vũ Anh Tuấn thì nói: "Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt". Qua đó, Tuấn cũng đòi 150 triệu đồng/chuyến bay. Sau khi bị yêu cầu đưa 3 tỉ đồng cho bị cáo Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn, công ty được cấp phép 17 chuyến bay. Tuy nhiên, bị cáo Dương đã "trốn", chỉ đưa Kiên 1,1 tỉ đồng còn Tuấn 1,6 tỉ đồng.
Cũng theo Dương, trước đó, khi bị cáo này từng xin thực hiện các chuyến bay giải cứu nhưng do không đưa tiền nên bị "làm khó" mỗi lần nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự. "Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát 1 ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực" - Dương khai tại tòa.
Bị cáo này cho biết thêm khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Tiếp đó, doanh nghiệp phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 đến 9 tỉ đồng. "Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân" - Dương khai.
Bình luận (0)