* Tiếp tục cập nhật...
5 bị cáo và gia đình người bị hại trong phiên tòa sáng 29-3
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, cho rằng việc thay đổi cáo trạng của VKSND TP Tuy Hòa trong vụ án công an dùng nhục hình này là việc làm bất thường.
“Theo quy định, Viện trưởng VKSND không được phép hủy cáo trạng do phó viện trưởng đã ký nếu cáo trạng ấy đúng pháp luật và có căn cứ. Ở đây, cáo trạng không sai thì viện trưởng không thể hủy để thay cáo trạng khác”- luật sư Thắng nói.
Lần đầu tiên trong phiên tòa này, 2 con anh Ngô Thanh Kiều là Ngô Thị Thanh Thảo và Ngô Thị Kim Oanh được cho phép vào dự phiên tòa
Về bản giám định pháp y, luật sư Thắng cho rằng nó không có giá trị khi không có biên bản giám định và không có biên bản niêm phong giám định.
Luật sư Thắng cho rằng VKSND dựa vào tiếng la của Ngô Thanh Kiều trong phòng xét hỏi để buộc tội Nguyễn Thân Thảo Thành là không đúng. “Không chỉ đợi bị đánh rồi mới la, mà theo phản xạ tự nhiên của con người, khi thấy ai đó giơ gậy lên đánh mình thì đã la a á rồi. Như vậy tiếng la a á của Ngô Thanh Kiều không nói lên điều gì, không thể khẳng định Thành đã đánh, không có cơ sở pháp lý để khẳng định Thành đã dùng nhục hình với Kiều”.
Các bị cáo ra vành móng ngựa trong phiên tòa sáng 29-3
Luật sư thứ 2 bào chữa cho Nguyễn Thân Thảo Thành là Lê Ngọc Hoàng (Hà Nội) cho rằng chỉ dựa vào tiếng la a á của Ngô Thanh Kiều mà buộc tội Thành là không có căn cứ.
9 giờ: Đại diện người bị hại, bà Ngô Thị Tuyết (chị Kiều) tham gia tranh luận. Bà Tuyết cho rằng các bị cáo đều chối tội không đánh vào đầu gây chấn thương sọ não. “Vậy ai là người đánh gây chấn thương sọ não em tôi”- bà Tuyết nói.
Bà Ngô Thị Tuyết (chị Kiều): Lương tâm của những công an này để đâu?
Cũng theo đại điện người bị hại này, những người ngồi ăn cơm trưa ngày 13-5-2012 và cả Nguyễn Thân Thảo Thành đều là những công an. “Vậy lương tâm của những công an này ở đâu khi có thể ăn cơm trong tiếng kêu la của em tôi, ăn cơm trong khi em tôi bị đánh”- bà Tuyết bức xúc.
Người đại diện bị hại này đã bật khóc vì uất ức khi cho rằng: “Pháp luật ta nhân đạo. Đến người tử hình trước khi xử tử cũng được cho bữa ăn no. Còn em tôi thì suốt buổi sáng đến giờ chiều không cho ăn gì thì liệu có nhân đạo hay không?”- bà Tuyết khóc.
Chị Trần Thị Tâm (vợ Kiều) không đồng ý với mức án treo của 4 bị cáo theo đề nghị của VKSND. “Dân đánh người thì ghép tội gây thương tích, còn công an đánh chết người thì chỉ là tội dùng nhục hình và chỉ đề nghị bị án treo. Vậy pháp luật có công minh hay không?”- chị Tâm đặt vấn đề.
9 giờ 15 phút: Luật sư Võ An Đôn, bào chữa cho người bị hại, cho rằng ông Lê Đức Hoàn - Phó Công an TP Tuy Hòa- cho người bắt Ngô Thanh Kiều khi không có lệnh bắt, lúc ban đêm khi vợ đang mang thai hơn 8 tháng đã là vi phạm pháp luật.
Luật sư Đôn cho rằng VKSND bảo ông Hoàn vì có nhiều thành tích nên chỉ xử lý kỷ luật với mức cảnh cáo. “Ông Hoàn có thành tích gì ghê gớm thế. Nhiều người có công trạng to lớn, hy sinh máu xương cho đất nước nhưng khi ra tòa họ có đòi hỏi gì đâu" - luật sư Đôn nói.
chị Trần Thị Tâm (vợ Kiều): Đánh chết chồng tôi nhưng chỉ bị đề nghị án treo!
Ngoài lời đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn 2 tội danh là bắt người trái pháp luật và dùng nhục hình vào ngày hôm qua, sáng nay (29-3), luật sư Đôn đề nghị cần khởi tố thêm ông Hoàn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì với trách nhiệm của trưởng ban chuyên án lại để thuộc cấp dùng nhục hình dẫn đến chết người. “Trong khi 5 bị cáo ở đây chỉ phạm một tội là dùng nhục hình thì khởi tố trong khi ông Hoàn phạm đến 3 tội thì được miễn trách nhiệm hình sự. Phải chăng pháp luật là một tấm lưới mà tấm lưới đó chỉ bắt được những con cá nhỏ, còn con cá lớn thì để sẩy”- luật sư Đôn nói.
9 giờ 20 phút: Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên đến dự phiên tòa.
9 giờ 55 phút: Bà Ngô Thị Tuyết (chị Kiều) cho rằng khi sự việc xảy ra cơ quan Công an TP Tuy Hòa có sự bưng bít và gây khó khăn trong quá trình gia đình làm lễ mai táng cho Kiều.
10 giờ: Luật sư Đôn một lần nữa đề nghị HĐXX khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 3 tội: Bắt người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Võ An Đôn (áo trắng) chia sẻ với gia đình người bị hại
10 giờ 5 phút: Bà Ngô Thị Hồng Minh, người giữ quyền công tố tại tòa thừa nhận Viện KSND TP Tuy Hòa có sự nhầm lẫn khi ra quyết định bắt tạm giam Nguyễn Thân Thảo Thành. “Lẽ ra phải là Cơ quan điều tra Viện KDND Tối cao ra quyết định tạm giam nhưng Viện KSND TP Tuy Hòa đã nhầm lẫn khi ra quyết định tạm giam Thành”- bà Minh thừa nhận
10 giờ 20 phút: Nói lời cuối cùng: “Tôi không đánh Ngô Thanh Kiều. Tôi rất nhục nhã khi đứng ở đây với những con người phạm tội nhưng không dám nhận tội”, Nguyễn Thân Thảo Thành nói.
Các bị cáo Mẫn, Quyền, Huy, Quang nói lời sau cùng, rằng cảm thấy ăn năn do lỗi lầm mình gây ra và mong gia đình tha thứ. Quang, Huy đã quỳ gối xin lỗi gia đình người bị hại.
Bị cáo Quang và Huy quỳ gối xin lỗi gia đình người bị hại
10 giờ 25 phút: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận để nghị án. Chủ tọa phiên tòa cho rằng đây là vụ án phức tạp cần thời gian nghị án dài nên tòa sẽ tuyên án 14 giờ chiều ngày 3-4-2014.
Theo cáo trạng của VKSND TP Tuy Hòa, đầu tháng 3-2012, Công an TP Tuy Hòa lập chuyên án điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa làm trưởng ban chuyên án. Chiều 12-5-2012, ông Hoàn chỉ đạo thuộc cấp phối hợp với Công an huyện Tây Hòa mời Ngô Thanh Kiều về Công an TP Tuy Hòa làm việc.
Thế nhưng, lúc 3 giờ 15 phút ngày 13-5-2012, tổ công tác gồm 7 người ở Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay Kiều đưa về Công an TP Tuy Hòa. Tại đây, trong quá trình lấy lời khai, 5 sĩ quan công an nói trên đã thay nhau dùng dùi cui đánh vào người, vào đầu khiến anh Kiều tử vong trên đường đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu.
Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Phú Yên cho thấy anh Kiều tử vong do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi.
VKSND TP Tuy Hòa đã truy tố công an đánh chết người Nguyễn Thân Thảo Thành về tội dùng nhục hình theo khoản 3 điều 298 của Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.
Trong khi đó, các bị can khác bị truy tố cũng về tội dùng nhục hình nhưng ở khoản 1, điều 298, có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Riêng ông Lê Đức Hoàn cùng 8 công an khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên kiến nghị xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)