Chiều 9-8, TAND tỉnh Kon Tum tiếp tục xét xử phiên toà phúc thẩm lần 3 vụ án "Cưa cây khô phạm tội trộm cắp" với phần tranh luận sau khi đã xét hỏi vào buổi sáng.
Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum nêu quan điểm mặc dù các bị cáo không thừa nhận tội "Trộm cắp tài sản" nhưng căn cứ vào phần xét hỏi, tài liệu và chứng cứ liên quan đến đủ yếu tố cấu thành tội danh này.
Cụ thể các bị cáo lợi dụng đêm tối, được sự giúp sức đã mang công cụ vào rừng đặc dụng Đắk Uy chặt cây gỗ nhằm mục đích bán lấy tiền. Hàng năm, UBND tỉnh Kon Tum bố trí nhiều nguồn vốn để chăm sóc, bảo vệ rừng. Cây trong rừng đặc dụng Đắk Uy có cây gỗ tự nhiên, cây gỗ trồng nên tài là tài sản của nhà nước. Các bị cáo cưa cây gỗ trắc mục đích là bán lấy tiền, chưa chiếm đoạt được là do bị phát hiện và khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã đủ tuổi, đủ hành vi năng lực.
LS Lê Văn Hoan, bào chữa cho các bị cáo, lấy làm tiếc vì bản án ngày 1-6-2018 của TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội đã không được thực thi. Cũng theo ông Hoan, không có căn cứ để xác định Rừng đặc dụng Đắk Uy là tài sản của nhà nước.
Các phóng viên được bố trí ngồi phòng riêng để theo dõi phiên toà
Cùng với đó, LS Hoan cũng nêu nhiều nội dung chứng minh các cơ quan tố tụng vi phạm luật tố tụng như quyết định khởi tố bị can Nguyễn Ngọc Bình của công an huyện Đắk Hà, cáo trạng không đánh số trang theo quy định, giám định giá trị tài sản không đúng...
Đáng chú ý, trong phần tranh luận, hệ thống âm thanh liên tục trục trặc kỹ thuật, lúc nghe được lúc không. LS Hoan đã nhiều lần đề nghị chủ tọa cho kiểm tra lại hệ thống âm thanh nhưng tình hình không cải thiện.
Đáng chú ý, nhiều người dân muốn than dự phiên toà nhưng không được vào trong phòng xử. Các phóng viên tới tham gia đưa tin cũng được bố trí cho ngồi tại phòng riêng.
Vụ án "cưa cây khô bị xử tội trộm cắp" được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì 5 bị cáo cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng chỉ 0,123 m3, sau đó đi tự thú và bị xử lý tội "Trộm cắp tài sản".
Người dân đến từ sáng sớm nhưng không được vào tham dự phiên toà
Từ sáng sớm, rất đông người dân đã đội mưa đến để tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, ngoài các bị cáo và những người được mời, tất cả đều phải đứng ngoài. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Cương (anh trai bị cáo Nguyễn Văn Bảy) nói đã gác lại tất cả công việc để cùng cả gia đình đến tham dự phiên toà nhưng đến cổng lại không được vào. Các cán bộ công an làm nhiệm vụ chỉ cho đứng ngoài nghe qua loa. "Tại sao phiên toà xử công khai lại không cho người dân tham dự. Chúng tôi là người thân cũng muốn nghe xem toà xử con, em chúng tôi như thế nào nhưng cũng không được" – ông Cương bức xúc nói.
Nhiều người khác ngồi chờ trong khuôn viên toà án
Bà Nguyễn Thị Hằng (vợ bị cáo Phan Tiến Dũng) cũng không được tham dự phiên toà. Bà đã gay gắt chất vấn lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Các cán bộ này giải thích là làm theo yêu cầu của HĐXX. "Toà nói có giấy mời mới cho vào, nhưng chúng tôi là người thân của các bị cáo thôi thì lấy giấy mời ở đâu ra" – bà Hằng bức xúc nói.
Người dân bức xúc vì không được vào dự phiên tòa xử vụ "Cưa cây khô bị xử tội trộm cắp"
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2016, ông Phan Tiến Dũng, cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), đã để Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình vào rừng cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng 0,123 m3. Đang lấy gỗ thì bị phát hiện, cả nhóm bỏ chạy, nhưng sau đó đã đến Công an huyện Đắk Hà tự thú. Cả 4 người này và Phan Tiến Dũng sau đó bị khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản".
Nhiều người đến không có giấy mời nhưng vẫn đến tham dự phiên xử
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà tuyên xử 5 bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì vi phạm tố tụng. Ngày 27-9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt mỗi bị cáo từ 11 đến 14 tháng tù giam cũng về tội "Trộm cắp tài sản".
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội theo bản án sơ thẩm lần 2. Khi năm công dân này gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đắk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì tòa này từ chối nhận đơn vì cho rằng phải chờ quyết định giám đốc thẩm.
Sau đó, ngày 26-7-2018, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm lần 2 của của TAND tỉnh Kon Tum.
Bình luận (0)