Ngày 24-1, nguồn tin phóng viên Báo Người Lao Động cho biết ông Trương Trọng Nghĩa - đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đã gửi kiến nghị tới chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp để kiến nghị xem xét lại vụ án "cưa cây khô bị xử tội trộm cắp".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tiếp xúc với 5 công dân và các luật sư - Ảnh: T.Nga
Theo đại biểu Nghĩa, ông đã tiếp xúc và nhận đơn kêu cứu của 5 bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình và Phan Tiến Dũng.
Qua nghiên cứu, ông Nghĩa cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 22/2018-KN-HS của TAND Tối cao là không phù hợp với quy định của pháp luật. Hành vi của 5 bị cáo là vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự vì các lý do sau:
Theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ thì cây gỗ khô mà các bị cáo lấy đi không được Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy cho phép nên hành vi này là "khai thác rừng đặc dụng trái phép". Tuy nhiên, do chưa đủ định lượng (5 m3) nên không thể xử lý hình sự.
Thông tư liên tịch số 19/2007 của liên ngành hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì không thể xử lý các bị cáo tội "trộm cắp tài sản". Nguyên nhân, rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên chứ không phải rừng trồng, các cây gỗ mọc tự nhiên chứ không có ai tác động để có cây này. Rừng này cũng không phải do quan hệ dân sự chuyển giao mà có.
Hơn nữa, tài sản nhà nước có nội hàm rất rộng gồm rừng, biển, đất đai, tài nguyên trong lòng đất. Ví dụ, một người hút cát ở lòng sông, đào vàng trong lòng đất nhưng không được phép thì từ trước tới nay không ai bị xử lý tội "trộm cắp tài sản" mà chỉ xử lý tội "khai thác trái phép".
Hồ sơ vụ án tổng hợp số liệu các năm có vi phạm tương tự nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính. "Một hành vi vi phạm được điều chỉnh bằng pháp luật hành chính nhưng trong trường hợp này lại hình sự hóa vụ việc nên có thể dẫn đến làm oan người vô tội" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, TAND Tối cao đã từng có Văn bản số 157 năm 2011 hướng dẫn đối với hành vi cưa trộm cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy. Nếu hành vi cưa trộm cây gỗ trắc nếu đủ định lượng 50 triệu đồng thì xử lý tội "Hủy hoại rừng". Văn bản này cũng không hề đề cập tội "Trộm cắp tài sản". Khúc gỗ các bị cáo lấy giá trị chỉ 19 triệu đồng nên chỉ có thể xử phạt hành chính.
5 công dân đã rong ruổi khắp nơi để gửi đơn kiến nghị - Ảnh: T.Nga
Bên cạnh đó, nếu cho rằng cưa cây gỗ khô là "trộm cắp tài sản", trong khi cưa cây gỗ còn sống thì chỉ xử phạt hành chính là mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật. Đường lối xét xử này vô tình khuyến khích việc xâm hại cây sống. Nếu tư duy như vậy thì khác nào hành vi "xâm phạm thi thể mồ mả" bị xử nặng hơn tội "Giết người".
Qua nghiên cứu quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, ông Nghĩa cho rằng quyết định này gần như không phân tích, lập luận mà chỉ dẫn lại nội dung vụ án rồi kết luận bản án phúc thẩm là không có căn cứ. Ông cũng không hiểu luận cứ và cơ sở pháp lý của quyết định này.
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Nếu cố xử các bị cáo vào rừng cưa cây gỗ trắc khô tội "Trộm cắp tài sản" thì các hành vi vào rừng tự nhiên cưa trộm cây gỗ (nhóm IIA) đã bị tòa xét xử tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng" theo Điều 175 BLHS năm 1999 là sai? Vậy có kháng nghị để xét xử lại? Ngoài ra, những hành vi tương tự đã bị xử phạt hành chính thì cũng phải xem xét lại theo hướng phải xử lý về tội "Trộm cắp tài sản".
Theo ông Nghĩa, Cục Kiểm lâm cũng khẳng định hành vi khai thác trái phép dưới 5 m3 đối với gỗ thuộc nhóm IIA (thuộc rừng tự nhiên) trước ngày 1-1-2018 thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính. "Người đứng đầu ngành kiểm lâm đã khẳng định như vậy. Vậy tại sao cứ nhất thiết phải buộc họ tội "Trộm cắp tài sản"? Dư luận đang hoài nghi, phải chăng đã lỡ khởi tố rồi thì phải kết tội cho bằng được" – đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Từ các phân tích, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét thu hồi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; viện trưởng VKSND Tối cao có ý kiến với chánh án TAND Tối cao về nguy cơ gây oan sai và kiểm sát việc xét xử giám đốc thẩm; chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp xem xét và có ý kiến đối với chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tư pháp giám sát quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và việc xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để phòng tránh oan sai cho công dân.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2016, ông Phan Tiến Dũng để Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (cùng trú tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng đặc dụng Đăk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cưa 1 cây trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng 0,123 m3 thì bị phát hiện nên bỏ chạy. Sau đó, 4 người trên đến Công an huyện Đắk Hà tự thú. Cả 4 người này và Phan Tiến Dũng sau đó bị khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản".
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà tuyên xử 5 bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà vì vi phạm tố tụng. Ngày 27-9-2017, TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt mỗi bị cáo từ 11 đến 14 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản".
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội theo bản án sơ thẩm lần 2. Ngày 26-7-2018, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ký Quyết định số 22/2018/KN-HS, kháng nghị giám đốc thẩm bản án trên của TAND tỉnh Kon Tum.
Theo đó, TAND Tối cao đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án số 07/2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà.
Bình luận (0)