Công an TP HCM vừa làm việc với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM (VTV9) để làm rõ việc 1 doanh nghiệp đe dọa truy sát lãnh đạo, nhân viên VTV9.
Cụ thể, sau khi phóng sự "Đa cấp bất động sản quốc tế lãi khủng - người tham gia mất trắng" được phát sóng trên VTV9, Trung tâm Truyền hình VN tại TP HCM nhận được công văn từ Công ty Smartland cho rằng trung tâm đưa thông tin sai sự thật, yêu cầu không đưa tiếp thông tin.
Tuy nhiên, công văn này lại có những đoạn với nội dung mà phía trung tâm nhận thấy có sự đe dọa giết người.
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, việc chủ tịch HĐQT Công ty Smartland gửi văn bản có nội dung đe dọa trên tới Trung tâm Truyền hình VN tại TP HCM là một hành vi thiếu chuyên nghiệp, thay vì lựa chọn hướng giải quyết theo pháp luật là khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự mà lại ban hành văn bản có nội dung như trên.
Trung tâm Truyền hình VN tại TP HCM đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc
Hành vi này có thể được xem là hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng của phóng viên theo quy định tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016.
Hành vi này có dấu hiệu của tội "Đe dọa giết người" được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 bởi việc đe dọa này nhằm mục đích làm cho nhà báo, phóng viên lo sợ, tin rằng tính mạng của mình và gia đình có thể sẽ bị xâm phạm, phải thực hiện theo yêu cầu của người đe dọa như dừng thông tin, gỡ phóng sự…
"Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào văn bản mà doanh nghiệp trên gửi cho VTV9 thì chưa đủ căn cứ để xử lý theo khung này mà cơ quan chức năng cần điều tra để có thêm bằng chứng và căn cứ để xử lý"- luật sư Toàn nói.
Người trả lời VTV bị hành hung
Theo luật sư Toàn, hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lí như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…
"Nếu chỉ với một đoạn văn bản có nội dung như trên mà không có thêm dấu hiệu, hành vi nào khác thì rất khó xử lý hình sự, bởi lẽ chủ tịch HĐQT Công ty Smartland không viết với ý định thể hiện ý chí của bản thân mình mà chỉ dự đoán phản ứng có thể xảy ra từ cổ đông, cá nhân, tổ chức hợp tác. Nội dung văn bản chỉ đặt ra giả thiết chung chung rằng các cổ đông, cá nhân, tổ chức hợp tác "có thể sẽ truy sát" gia đình giám đốc, cán bộ, nhân viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM. Hơn nữa, Chủ tịch Công ty Smartland không phải là người đại diện cho ý chí của các cổ đông, cá nhân, tổ chức hợp tác khác trong việc gửi thông điệp với nội dung "có thể sẽ bị truy sát" như trong công văn gửi đến VTV9. Ngoài ra, công văn ký tên, đóng dấu pháp nhân, trong khi đó chủ thể của tội đe dọa giết người là cá nhân nên rất khó chứng minh chủ thể của hành vi này là pháp nhân hay cá nhân"- luật sư Toàn phân tích.
Luật sư Toàn cho rằng trước mắt có thể xem xét xử phạt hành chính những người liên quan theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP về hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên nhưng chưa đến mức xử lý hình sự về tội đe dọa giết người với mức phạt tiền là 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, VTV9 có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của Công ty Smartland tới cơ quan điều tra.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng đe dọa giết người là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho người bị đe dọa biết được khả năng tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm. Hành vi thể hiện trực tiếp bằng lời nói hoặc gián tiếp qua thư, qua điện thoại hoặc nhắn qua người khác. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó xác định có hay không có căn cứ cho rằng người đe dọa có khả năng sẽ hành động thực sự.
Chưa kể, người nhận thư đe dọa cần chứng minh được hậu quả (bản thân và gia đình bất an, lo lắng…) nếu muốn khép trách nhiệm phía gửi thư đe dọa. Đây là cơ sở quan trọng cấu thành hành vi đe dọa. Song, hậu quả từ vụ việc thường mang tính chủ quan từ phía nạn nhân. Đối với những vụ việc như trên, việc đánh giá chứng cứ thường mang nhiều ý thức chủ quan của cơ quan chức năng.
"Giả thiết nếu khởi tố hình sự, có khả năng cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chú ý nhiều đến động cơ của phía viết thư đe dọa. Phía đe dọa và nạn nhân được cho là đối tượng đặc biệt. Do đó, cơ quan chức năng sẽ đặt nghi vấn: doanh nghiệp này tiêu cực nên "có tật giật mình". Đây là bằng chứng củng cố lập luận về động cơ thực hiện hành vi sai trái" – luật sư Lượng phân tích.
Trong khi đó, một nguyên thẩm phán TAND TP HCM giải thích Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Smartland và những người liên quan (nếu có) vi phạm Điều 9, Luật Báo chí 2016 (quy định về việc đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên). Những đối tượng trên có mục đích rõ ràng khi gửi công văn (khiến phóng viên lo lắng, hoang mang; ép VTV9 thực hiện theo yêu cầu gỡ phóng sự…). Cơ quan tố tụng hoàn toàn có căn cứ để tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội có thể được thực hiện trên thực tế.
Theo luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình, nội dung văn bản Công ty Smartland gửi VTV9 có thể hiểu ngay đó là lời đe dọa truy sát, giết người nhắm vào gia đình giám đốc VTV9 và cán bộ, nhân viên liên quan. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Smartland là người ký phát hành văn bản ít nhiều phải có trách nhiệm liên quan. Cần điều tra xác định ai là người đe dọa. "Nếu người ký văn bản cho đây chỉ là cảnh báo thì dựa vào nguồn tin nào, cá nhân, tổ chức, cổ đông nào đưa ra lời đe dọa truy sát. Nếu không chỉ ra đối tượng nói trên thì người ký văn bản phải chịu trách nhiệm về nội dung đe dọa trong văn bản. Tùy kết quả xác minh, nếu có căn cứ xác định được đối tượng có hành vi đe dọa giết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử phạt hành chính theo Khoản 12, Điều 9 Luật báo chí và Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 153/2013/CP về hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên.
Điều 133, Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội "Đe dọa giết người"
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Đối với 2 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác
Bình luận (0)