Ông Phạm Văn Minh (trái) tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo ông Quốc, khi Công ty Phú An Sinh đến thời hạn trả nợ hơn 35 tỉ đồng, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần làm việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp này gia hạn nhưng số nợ vẫn không được hoàn trả. “Cuối tháng 7-2011, sở đành phải kiện công ty ra tòa” - ông Quốc nói.
Trong đơn tường trình và xin gia hạn nợ gửi tòa án, Công ty Phú An Sinh cho rằng đã thể hiện thiện chí nhưng không thể trả nợ do nhiều nguyên nhân như: Công ty phối hợp với Nhà nước để “chạy dịch” (thời gian đó diễn ra các đợt dịch bệnh với heo, gà) nhưng lượng hàng tồn kho do các đợt dịch kéo dài quá lâu; người dân không quen dùng các mặt hàng đông lạnh nên sức mua giảm… Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Công ty Phú An Sinh đã dùng nguồn vốn vay sử dụng vào nhiều mục đích khác như xây dựng nhà xưởng, bổ sung nguồn vốn lưu động đang thiếu hụt... Cụ thể, trước khi được vay khoản tiền trên (giữa năm 2010), Công ty Phú An Sinh vừa xây dựng xong một nhà máy giết mổ gia cầm và chế biến thực phẩm tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 30 tỉ đồng.
Công ty Phú An Sinh (trụ sở nhà máy tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành; trụ sở chính tại quận 12 - TPHCM) chuyên về lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phân phối sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Theo điều tra ban đầu, khoảng cuối năm 2011, trong chương trình bình ổn giá, Công ty Phú An Sinh đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Sở Công Thương tạm ứng 16,5 tỉ đồng ngân sách cho vay không lãi suất để mua heo, gà dự trữ. Sau đó, công ty chỉ trả nợ được hơn 10 tỉ đồng. Năm 2010, công ty tiếp tục vay của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 35 tỉ đồng nhưng chỉ trả được 1,5 tỉ đồng. Tổng cộng, Công ty Phú An Sinh bị điều tra với tổng số nợ gần 40 tỉ đồng cả gốc và lãi.
Tại TPHCM, Công ty Phú An Sinh đã rút tên khỏi danh sách tham gia bình ổn thị trường từ năm 2011 và hiện không còn nợ nần gì với TP. Theo Sở Công Thương TPHCM, Công ty Phú An Sinh là một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình bình ổn thị trường TPHCM trong những năm đầu. Năm 2006, công ty này tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết và không nhận vốn hỗ trợ lãi suất 0%. Đến chương trình bình ổn Tết năm 2008, Công ty Phú An Sinh nhận 15 tỉ đồng và năm 2009 nhận 13 tỉ đồng. Riêng năm 2010, công ty đăng ký nhận vốn là 30,35 tỉ đồng nhưng do lượng hàng tung ra thị trường không đáp ứng theo tiến độ đăng ký nên chỉ được giải ngân chưa đến 1/2. Cũng trong chương trình bình ổn giá năm 2010, công ty hoàn trả vốn vay chậm hơn so với quy định, đến năm 2011 mới trả hết số tiền này (theo quy định, 12 tháng sau khi giải ngân, doanh nghiệp phải hoàn trả vốn cho TPHCM).
Bình luận (0)