Chiều ngày 15-5, tại TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phần tranh tụng để chứng minh hành vi phạm tội của 15 bị cáo là các cựu cán bộ, giáo viên, công an trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia ở tỉnh Hòa Bình năm 2017-2018.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn
Về việc truy tố Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Lạc Thủy, thành viên ban chấm thi) tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và tội "Nhận hối lộ" với mức án từ 10-12 năm tù, theo đại diện VKS là phù hợp, đúng quy định.
Luật sư bào chữa cho Đỗ Mạnh Tuấn cho biết cần giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo vì đã khai báo thành khẩn, không chối tội, có 5 tình tiết được giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
"Từ hôm xét xử tới nay, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn ăn năn hối cải nhất trong số 15 bị cáo, sự ăn năn này được xem xét, đồng tình. VKSND cũng đã áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, Mạnh Tuấn là người có vai trò thứ 2 và là người nhiệt tình nhất. Trong số 15 bị cáo thì Mạnh Tuấn cũng là người có động cơ khi nhận hối lộ, đây là tội tham nhũng. Vì vậy, việc truy tố Mạnh Tuấn với các mức án trên là phù hợp" - đại diện VKSND nêu quan điểm.
Trước khi nêu ý kiến về việc bị truy tố với các tội danh trên, Đỗ Mạnh Tuấn đã dẫn một câu tục ngữ "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại". Rồi bị cáo Mạnh Tuấn phân tích về câu ấy để nói lên sự khoan dung, tha thứ của ông cha về những người không may phạm tội, để họ có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Các bị cáo được dẫn giải rời tòa
"Từ câu nói trên bị cáo thấy rất ăn năn, hối hận muốn làm người chạy lại. Chính vì chạy lại đã làm nhiều giáo viên bị tội, rất nhiều người nhìn bị cáo bằng con mắt khác, để làm kẻ chạy lại bị cáo đã thành người phản bội trong mắt đồng nghiệp, thành người vu khống" - Tuấn nói.
Đỗ Mạnh Tuấn cũng khẳng định bản luận tội cũng như kết quả truy tố bị cáo là hoàn toàn xứng đáng, nhưng xét cố gắng để làm người chạy lại nên truy tố bị cáo mức án trên vẫn chưa thỏa đáng. Vì vậy, đề nghị HĐXX, VKSND xem xét cho bị cáo một mức án hợp lý. Đề nghị cho bị cáo được làm người chạy lại.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị can đã cấu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho 65 thí sinh (TS) gồm 64 em dự thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017. Các TS này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, 45 TS trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 TS đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 TS trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 TS xét tuyển nhưng không trúng tuyển; 3 TS không xét tuyển.
Bình luận (0)